(HNM) - Số phận không may đã khiến họ không thể nghe được âm thanh cuộc sống, không thể nói được bằng lời. Cách giao tiếp duy nhất của họ - người khiếm thính - với nhau, với những người bình thường khác là bằng tay, điệu bộ, cử chỉ, nét mặt giàu biểu cảm, gọi chung là ngôn ngữ ký hiệu.
Quốc ca là bài hát đầu tiên và với hầu hết người khiếm thính thì đấy cũng là bài hát duy nhất mà họ thuộc. Mỗi lần "biểu diễn" là một lần họ gây ấn tượng mạnh với người... xem.
Giờ học hát tại trụ sở Chi hội Người điếc Hà Nội. |
Lớp học không tiếng giảng bài
Tám giờ tối, lớp học ngôn ngữ ký hiệu tại Chi hội Người điếc Hà Nội đông chật học viên. Đứng lớp là thầy Trần Ngọc Tuấn, phụ trách giờ tiếng Việt. Học viên đến từ nhiều nơi, hầu hết trong độ tuổi học sinh, sinh viên. Cả lớp im phăng phắc. Thầy giảng bằng tay, bằng ngôn ngữ cơ thể - nét mặt biểu cảm và những động tác nghiêng người, cúi mình, xua, lắc... Học viên chăm chú dõi theo. Mỗi khi có khúc mắc cần trao đổi, họ lại dùng tay.
Đã gần năm mươi tuổi, thầy Tuấn cũng là người khiếm thính. Số phận không may đã khiến ông phải vật lộn để có thể giao tiếp. Ông không được đến trường, không có các chương trình, bài giảng chuyên biệt. Ban đầu là những buổi cố gắng "nói" theo sự hướng dẫn của bác sĩ, dần dần ông tự học, tự mày mò xây dựng nên vốn từ vựng cho mình để có thể tự lập trong cuộc sống và bây giờ ông đứng lớp giảng bài cho những người cùng cảnh ngộ.
- Lớp tiếng Việt miễn phí được mở tháng 10-2010 theo một dự án do Thụy Điển hỗ trợ và đã kết thúc sau ba tháng. Mục đích của lớp học là phát triển vốn từ vựng, kỹ năng giao tiếp cho học viên. Ý tưởng mở lớp đã được các cháu khiếm thính, phụ huynh, người thân và cả bạn bè ủng hộ nhiệt tình. - Chị Bùi Thị Anh Phương (Khoa Giáo dục đặc biệt, Đại học Sư phạm Hà Nội), một trong những phiên dịch tình nguyện của chi hội "chuyển ngữ" cho thầy Tuấn, truyền đạt.
Theo thầy Tuấn, chỉ cần học khoảng 1, 2 năm là học viên có thể xem báo, đọc sách, xem các chương trình có "phiên dịch" cho người khiếm thính như O2 TV chẳng hạn. Với những học viên cần cù, sáng dạ, thời gian học còn ngắn hơn rất nhiều, thậm chí chỉ hai tháng. Với kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, họ có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống, đặc biệt là có thể tìm được việc làm.
- Từ trừu tượng là khó khăn lớn nhất trong mỗi bài giảng. Học viên khó hiểu, còn thầy phải kết hợp nhiều cách thức khác nhau để giảng giải cho trò cặn kẽ. - Thầy Tuấn kể.
Vợ làm thợ may, cô con gái thầy Tuấn năm nay 16 tuổi, đang học trường THPT Chuyên ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), đọc thông viết thạo tiếng Nga và sử dụng được cả tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc. Có gia đình êm ấm, thầy Tuấn càng chuyên tâm với công việc của mình. "Băn khoăn lớn nhất với anh em chúng tôi là chương trình hỗ trợ của bạn vừa kết thúc. Vì vậy, tới đây chúng tôi đành thu học phí. Tuy nhiên, số tiền này rất nhỏ, chỉ 100 nghìn đồng/tháng, để duy trì lớp học". Thầy Tuấn tâm sự.
Đó cũng là băn khoăn chung của những người cùng "đứng lớp" với thầy Tuấn như các thầy Đỗ Hoàng Thái Anh, Đỗ Văn Sơn...
Bài hát đầu tiên - bài hát duy nhất
Chi hội Người điếc Hà Nội được thành lập năm 2000, ban đầu có 40 hội viên, nay tăng lên 370. Những người thiếu may mắn không thể nghe được âm thanh cuộc sống, không thể nói được bằng lời đã có "sân chơi" chung. Dù cách giao tiếp duy nhất của họ với nhau, với những người bình thường khác là bằng ngôn ngữ ký hiệu nhưng họ vẫn ao ước được hát, được biểu diễn văn nghệ. Quốc ca là bài hát đầu tiên mà họ thuộc.
Vũ Thùy Linh giờ đang là "quản ca", đồng thời là "nhạc trưởng" trong các giờ dạy hát Quốc ca ở chi hội. Cô kể: "Quốc ca là bài hát mà người khiếm thính nào cũng học. Đấy là bài hát đầu tiên của bọn em. Người khiếm thính học hát Quốc ca là một cách thể hiện tình yêu Tổ quốc, sự biết ơn đối với cha ông đã xây dựng nên đất nước hôm nay".
Để hát Quốc ca, các "ca sĩ" đặc biệt phải học từ vựng trước. Chữ "quốc" được diễn đạt bằng bàn tay nắm lại; chữ "ca" là cử chỉ bàn tay khép lại, ngón cái mở ra, chuyển động theo hình chữ S; chữ "Việt Nam" là ký hiệu hai ngón trỏ và ngón giữa làm hình chữ V, chuyển động theo hình chữ S...
Những buổi học hát Quốc ca của Linh và học viên cũng im lặng như giờ học tiếng Việt. Đấy là những giờ học hát thật đặc biệt: Không có tiếng nhạc, không có âm thanh nào bằng lời cất lên. Linh đứng trên bục giảng, đối diện với "ca sĩ" đã xếp thành hàng. Linh như một nhạc trưởng của dàn hợp xướng, còn phía dưới, các "ca sĩ" say sưa, nhịp nhàng cùng hát bằng tay. Khí thế đầy sôi động, hùng tráng. Khi thì họ hát bằng động tác nắm tay lại, khi tay đan cài hờ vào nhau, khi đặt hai tay lên trái tim mình...
Và với hầu hết người khiếm thính, đấy cũng là bài hát duy nhất của họ.
Những chuyến "lưu diễn"
Ông Phạm Kiều Định, Chủ tịch hội Người khuyết tật quận Ba Đình (Hà Nội), một người yêu văn nghệ, rất được anh em Chi hội Người điếc Hà Nội quý mến. Đặc biệt, ông có nhiều kỷ niệm với các "ca sĩ" không chuyên ở đây.
Nhóm bốn người chuyên hát Quốc ca ở chi hội là anh Lê Văn Ánh (Chủ tịch chi hội), thầy Tuấn, Linh và em gái của cô, Vũ Hoàng Lan (hiện đang là phiên dịch cho người khiếm thính trong một chương trình của O2 TV). Ông Định từng làm "trưởng đoàn" dẫn các "ca sĩ" đi giao lưu ở một số nơi như Nam Định, Thái Bình... "Ở đâu người xem cũng vỗ tay hưởng ứng. Chẳng hạn, trong chương trình ở Nam Định mới đây, sau màn biểu diễn của nhóm, tiếng vỗ tay rần rần trong hội trường đã kéo dài không ngớt. Mọi người không chỉ tán thưởng mà còn hết sức cảm động khi được nghe họ hát". Ông Định phấn khởi kể lại.
Tôi cũng đã được "xem" họ hát. Họ hát một cách say mê. "Giọng" hát của họ đều đặn, nhịp nhàng cất lên một cách lặng lẽ. Người khiếm thính dù không thể hát Quốc ca bằng lời nhưng đã "cất tiếng" bằng cả trái tim.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.