(HNMCT) - Cuối tuần qua, tôi có đưa cậu con nhỏ đi xem vở diễn mới của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Đó là vở “Những đứa con oan nghiệt” do NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn, chuyển thể từ kịch bản văn học của NSND Doãn Hoàng Giang. Thật bất ngờ khi cháu cảm thấy rất thích thú, say mê xem đến hết vở và xin được đi xem khi có vở mới.
“Những đứa con oan nghiệt” có cốt truyện khá đơn giản, đề cao vai trò của giáo dục gia đình. Vì mong muốn sẽ được đổi đời nhờ con, tướng cướp Tư Chớp đã tráo con mình với con thầy đồ khi chúng vừa lọt lòng. Lớn lên trong môi trường khác nhau hoàn toàn, hai đứa trẻ có xuất thân khác biệt cũng trở thành hai con người khác biệt. Con tướng cướp ở nhà thầy đồ được rèn giũa từ nhỏ nên học hành giỏi giang, thi đỗ thành quan. Trong khi đó, con của thầy đồ ở nhà tướng cướp được nuông chiều lại trở thành một tên cướp. Bi kịch xảy ra khi con của thầy đồ vì lòng đố kỵ đã ra tay sát hại con của tướng cướp.
Câu chuyện giàu tính giáo dục, thông điệp rõ ràng tuy không mới về cốt truyện nhưng lại có cách thể hiện dễ đi vào lòng người, kết hợp được nghệ thuật truyền thống với nhiều thủ pháp của sân khấu hiện đại. Chẳng hạn như việc kết hợp khéo léo với múa đương đại, cách xử lý âm nhạc trẻ trung, hiện đại theo tiết tấu nhanh... Cách dàn dựng này cho thấy đạo diễn và ê kíp sáng tạo rất chịu khó tìm tòi các yếu tố mới nhằm chinh phục người xem trẻ tuổi.
Nhiều người cho rằng: Trẻ con bây giờ có quá nhiều lựa chọn giải trí, chúng không còn quan tâm đến nghệ thuật truyền thống, không còn thích xem kịch hát dân tộc. Nhưng liệu đây có phải là định kiến khi chúng ta không chủ động cho chúng tiếp xúc từ nhỏ với những tác phẩm hay? Những vở diễn hay vẫn hấp dẫn lứa tuổi này và chắc chắn khi đã chinh phục được một khán giả nhỏ tuổi, sân khấu sẽ có thêm một khán giả trung thành trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.