(HNM) - Tạo sân chơi bổ tích, lý thú cho sinh viên (SV) tìm hiểu về truyền thống lịch sử Thăng Long - Hà Nội, Đoàn trường ĐH Văn hóa Hà Nội đã có sáng kiến tổ chức cuộc thi
Thạc sĩ Đỗ Trần Phương, Phó Bí thư Đoàn trường cho biết: Tại vòng sơ khảo, 8 đội chơi (mỗi đội 3 SV) trả lời nhanh 50 câu hỏi trắc nghiệm, một bài tự luận về lịch sử Thăng Long - Hà Nội trong 60 phút. Các nhóm SV rất hăng hái tham gia cuộc thi này, sưu tầm, nghiên cứu nhiều tư liệu về lịch sử Thăng Long - Hà Nội; đặc biệt là ý nghĩa của sự kiện 1000 năm trước đây khi Đức vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên kinh thành là Thăng Long. "Điều làm cho Ban giám khảo ấn tượng, đó là trong các bài thi tự luận, các đội đã viết về cảm xúc của tuổi trẻ về Thủ đô nghìn năm tuổi, thể hiện niềm vinh dự, tự hào được sống trong những ngày Đại lễ, nhưng cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu, trách nhiệm tuổi trẻ trong xây dựng và phát triển Thủ đô", anh Phương nhấn mạnh.
Không khí sôi nổi của đêm chung kết cuộc thi "Thăng Long - Hà Nội vẻ đẹp ngàn năm" diễn ra tại Nhà văn hóa Trường ĐH Văn hóa Hà Nội thu hút hơn 2.000 SV. Những băng rôn, khẩu hiệu của cổ động viên các đội chơi cho thấy SV mong chờ những phần thi xuất sắc, những ý tưởng độc đáo của 4 đội chơi.
Ở vòng thi chung kết, mỗi đội chơi phải tham gia 4 nội dung, gồm: "Thăng Long - Hà Nội một góc nhìn" theo hình thức sân khấu hóa, thời gian 5 phút, thể hiện lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, di tích, lễ hội, cuộc sống thường nhật của người Hà Nội; "Thăng Long - Hà Nội của chúng ta", mỗi đội bốc thăm trả lời 5 câu hỏi của Ban tổ chức; "Khám phá Thăng Long Văn hiến" với 10 câu hỏi về lịch sử Thăng Long, bấm chuông trả lời nhanh; và phần thi được khán giả mong chờ nhất chính là phần thuyết trình về clip ảnh chủ đề "Thăng Long - Hà Nội vẻ đẹp ngàn năm'', mỗi đội chơi sưu tầm 30 bức ảnh Hà Nội xưa và nay theo chủ đề, chiếu trên màn hình và thuyết trình nội dung, lý do chọn đề tài và ý nghĩa của những bức ảnh.
SV Nguyễn Hà Hạnh, đội Khoa Bảo tàng chia sẻ: Mỗi vòng thi là một khám phá, một cách thể hiện tình cảm của chúng tôi với Hà Nội - nơi chúng tôi sinh sống, học tập. Đặc biệt hơn, ở vòng thi Thăng Long - Hà Nội một góc nhìn", chúng tôi mô phỏng Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La (nay là Hà Nội) qua đoạn kịch ngắn, nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tuyên truyền cho các bạn hiểu thêm về ý nghĩa, mạch nguồn của mảnh đất Thăng Long nghìn năm Văn hiến và Anh hùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.