Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hào hùng, hoành tráng

Minh Ngọc| 07/02/2011 06:56

(HNM) - Mỗi độ xuân về, cùng tiếng trống hội Thăng Long giục giã, người dân Thủ đô lại được sống trong không khí hào hùng của một thời lịch sử qua Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Hôm qua 6-2 (tức mùng 4 tháng Giêng), nhân dân xã Ngọc Hồi (Thanh Trì) đã dâng hương tưởng niệm công lao của vị Anh hùng áo vải nhân kỷ niệm 222 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Hôm nay 7-2 (tức mùng 5 tháng Giêng) hào khí chiến thắng của nghĩa quân Tây Sơn một lần nữa được tái hiện hoành tráng tại Công viên Văn hóa Đống Đa.

Đông đảo người dân tham dự Lễ hội Gò Đống Đa năm 2010. Ảnh: Internet

Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội khẳng định: Lễ hội Gò Đống Đa diễn ra vào mùng 5 tháng Giêng hằng năm là lễ hội lớn nhất nước tưởng nhớ các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người Anh hùng áo vải Quang Trung. Sử sách ghi lại rằng, vào năm 1788, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân diễn ra khắp nơi, vua Lê Chiêu Thống sợ mất ngôi vị, quyền lực nên cầu cứu nhà Thanh. Vua nhà Thanh lúc đó là Càn Long lấy cớ giúp vua nước Nam dẹp loạn đã cử Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị mang 29 vạn quân, chia làm 4 mũi ồ ạt tiến vào thành Thăng Long. Trước sự "im hơi lặng tiếng" của quân Tây Sơn, Tôn Sĩ Nghị tuyên bố mùng 6 Tết sẽ kéo quân thẳng vào sào huyệt Tây Sơn.

Nhận được tin, Nguyễn Huệ làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế, rồi nhanh chóng tiến quân ra Bắc. Lợi dụng quân địch chủ quan, sơ hở, vào thời khắc Giao thừa năm Kỷ Dậu 1789, ông đã lãnh đạo đại quân vừa bao vây, vừa tiến công vào các mục tiêu trọng yếu của địch như Ngọc Hồi, Đống Đa… Thừa thắng, trưa ngày 30-1-1789 (mùng 5 Tết), đại quân Tây Sơn tiến vào kinh thành Thăng Long, cùng nhân dân ăn mừng đất nước được giải phóng.

Ghi nhớ công ơn của vị vua tài, đức, hằng năm nhân dân xã Ngọc Hồi (Thanh Trì) và quận Đống Đa tổ chức lễ hội tại những nơi gắn liền với chiến thắng của đoàn quân áo vải. Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Giám đốc Công viên Văn hóa Gò Đống Đa cho hay: Lễ hội Đống Đa kỷ niệm 222 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa Xuân Tân Mão có rất nhiều hoạt động mới mẻ, hấp dẫn. Mở đầu là nghi lễ dâng hương, tế lễ truyền thống của đội tế phường Quang Trung, Trung Liệt (Đống Đa), Giảng Võ (Ba Đình) và Yên Tử (Quảng Ninh) tại chùa Bộc và chùa Đồng Quang - hai di tích quan trọng trong quần thể di tích Gò Đống Đa đã được ghi danh vào sử sách. Sau đó là lễ mít tinh trọng thể trước Tượng đài vua Quang Trung. Màn múa rồng vừa tái hiện trận rồng lửa của nghĩa quân Tây Sơn năm xưa, vừa thể hiện khí phách của đất và người Thăng Long - Hà Nội hôm nay cùng màn múa võ Tây Sơn, ngợi ca tinh thần thượng võ, nghĩa hiệp của người dân Bình Định... cũng sẽ diễn ra tại đây.

Mang đến không khí mới, thi vị cho lễ hội năm nay, các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn trích đoạn chèo "Ngọc Hân Công chúa". Qua trích đoạn này, công chúng Thủ đô và du khách có dịp hiểu sâu sắc hơn câu chuyện tình có thật mà như huyền thoại giữa người Anh hùng áo vải Quang Trung với Công chúa Ngọc Hân lá ngọc cành vàng - NSƯT Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội chia sẻ. Ngoài ra, phần hội sẽ diễn ra từ 10h-17h với hoạt động thi đấu cờ người, cờ tướng, chọi gà, giới thiệu tranh Đông Hồ, giao duyên quan họ...

Để hạn chế tình trạng hàng rong "bủa vây" lễ hội như những năm trước, ngay từ đầu tháng 1, UBND quận Đống Đa đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, từng địa phương. Phòng Quản lý đô thị và Xí nghiệp Môi trường đô thị số 4 phối hợp với Công viên Văn hóa Đống Đa làm vệ sinh sạch đẹp khuôn viên công viên và tuyến đường Tây Sơn, Đặng Tiến Đông, đồng thời đặt các tấm biển cấm bán hàng rong trong khu vực diễn ra lễ hội. Phường Quang Trung và Trung Liệt có nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, giải tỏa thông thoáng các tuyến đường xung quanh công viên; bố trí nơi trông giữ xe đạp, xe máy đúng quy định. Đặc biệt, mỗi ban, ngành, đoàn thể của quận sẽ cử 200 đoàn viên, hội viên tham gia lễ hội và họ chính là những tuyên truyền viên tích cực vận động các thành viên trong gia đình không lợi dụng lễ hội đông người để tranh thủ kiếm lời từ việc trông xe, bán hàng rong…

Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng như trên, bà Nguyễn Thị Kim Anh chắc chắn rằng Lễ hội Gò Đống Đa Xuân Tân Mão này sẽ rộn rã tiếng trống trận, tưng bừng như hào khí Tây Sơn, mời gọi hàng vạn người dân xuống phố trẩy hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hào hùng, hoành tráng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.