Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành vi bị cấm trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa

03/12/2011 07:19

Trên thực tế đã xảy ra không ít trường hợp vì lợi nhuận mà có các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Vậy, quy định cụ thể của pháp luật về vấn đề này như thế nào? Phạm Minh Hòa

- Tiến sĩ, Luật sư Vũ Thái Hà (Công ty Luật TNHH YouMe, ĐT: 0913.55.99.44 website: www.youmevietnam.com) trả lời:

- Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa là trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, nhằm bảo đảm an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Điều 8, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2008 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa như sau: a) sản xuất sản phẩm, nhập khẩu, mua bán hàng hóa đã bị Nhà nước cấm lưu thông; b) sản xuất sản phẩm, xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán hàng hóa, trao đổi, tiếp thị sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

c) xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng; d) xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán hàng hóa, trao đổi, tiếp thị sản phẩm, hàng hóa đã hết hạn sử dụng; đ) dùng thực phẩm, dược phẩm không bảo đảm chất lượng hoặc đã hết hạn sử dụng làm từ thiện hoặc cho, tặng để sử dụng cho người; e) cố tình cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả thử nghiệm, kiểm tra, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa; f) giả mạo hoặc sử dụng trái phép dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, các dấu hiệu khác về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; g) thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; h) thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, về nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa; i) che giấu thông tin về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm, hàng hóa đối với người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường; k) sản xuất, chế biến sản phẩm, hàng hóa bằng nguyên liệu, vật liệu cấm sử dụng để sản xuất, chế biến sản phẩm, hàng hóa đó;

l) lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa để cản trở bất hợp pháp, gây phiền hà, sách nhiễu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân hoặc bao che hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; m) lợi dụng hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa để gây phương hại cho lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hành vi bị cấm trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.