(HNM) - Sáng 23-11 tại Hà Nội, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đã kỷ niệm 50 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Đánh giá về liên đoàn giàu truyền thống này, Bộ trưởng Bộ VH-TT& DL Hoàng Tuấn Anh khẳng định trong thư chúc mừng:
Nâng cả lượng và chất
Trải qua nửa thế kỷ hình thành và phát triển, Hội Điền kinh Việt Nam (nay là Liên đoàn Điền kinh Việt Nam) đã từng bước trưởng thành, hội nhập và phát triển. Bước chuyển mạnh mẽ là giai đoạn sau năm 2003, khi hàng loạt các sân điền kinh tổng hợp được xây dựng mới, bảo đảm điều kiện tập luyện và thi đấu trình độ cao.
Cần một kế hoạch và chương trình đầu tư trọng điểm cho các tài năng trẻ để bảo đảm thành tích của điền kinh nước nhà. Ảnh: Minh Hoàng |
Với sự vào cuộc của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, hệ thống thi đấu hằng năm ngày càng ổn định, trong đó có 4 cuộc thi đấu chính mang cấp quốc gia là Việt dã Tiền phong, vô địch các lứa tuổi trẻ, vô địch trẻ quốc gia và vô địch quốc gia. Bên cạnh đó là các giải quốc tế mở rộng của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Mỗi giải có trên 40 nội dung thi đấu phù hợp với từng đối tượng dự thi. Các giải đấu là nơi các VĐV cọ xát, tích lũy kinh nghiệm để có thể tham gia thi đấu đạt thành tích cao tại các giải quốc tế. Số lượng VĐV, các đoàn ngày càng đông đảo hơn. Những năm đầu chỉ có 20 đơn vị tham gia với 200 VĐV, nhưng những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 50 đơn vị tham dự với số lượng trên 400 VĐV tham dự mỗi giải đấu. Trong một năm, các VĐV phá trung bình 20 kỷ lục quốc gia và trên 400 VĐV đạt kiện tướng và cấp 1. Điều đó cho thấy chất và lượng của điền kinh Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt.
Vững vàng chinh phục đỉnh cao
Trong bảng vàng thành tích của Thể thao Việt Nam, điền kinh Việt Nam luôn có vị trí đặc biệt, khẳng định rõ nhất tiêu chí phát triển "nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn" của thể thao Olympic. Sau khi liên đoàn được thành lập năm 1962, ngay năm 1963, điền kinh Việt Nam đã tham gia thi đấu tại GANEFO (Đại hội thể thao của các nước mới trỗi dậy). Đến năm 1966, tại Đại hội tiểu GANEFO Châu Á (Campuchia), VĐV Trần Hữu Chỉ đã giành HCV nội dung chạy 400m vượt rào, vinh dự được Bác Hồ gặp mặt, tuyên dương thành tích và khen thưởng. Từ đó đến nay, bảng vàng thành tích quốc tế của điền kinh Việt Nam ngày càng có thêm những mốc son đáng tự hào.
Tại Giải vô địch Điền kinh Châu Á lần thứ 14-2002, lần đầu tiên điền kinh Việt Nam giành huy chương châu lục với tấm HCĐ của nữ VĐV Hà Nội Nguyễn Thị Tĩnh ở nội dung chạy 400m nữ. Đến giải đấu Châu Á lần thứ 15 năm 2003, VĐV Bùi Thị Nhung đã mang về cho TTVN tấm HCV Châu Á đầu tiên ở nội dung nhảy cao nữ. Đáng tự hào hơn nữa, tại ASIAD 16 - Quảng Châu (Trung Quốc) năm 2010, điền kinh Việt Nam đã xuất sắc giành 3 HCB (Vũ Thị Hương - chạy 200m nữ, Trương Thanh Hằng - chạy 800m, 1.500m nữ) và 2 HCĐ (Vũ Thị Hương - chạy 100m nữ, Vũ Văn Huyện - 10 môn phối hợp). "Đó là tiền đề để chúng ta phấn đấu, tạo niềm tin hướng tới những bước phát triển mạnh mẽ trong tương lai, đặc biệt là khi ASIAD được tổ chức tại Hà Nội - Việt Nam năm 2019" - Phó Chủ tịch kiêm TTK LĐ Điền kinh Việt Nam Hoàng Mạnh Cường cho biết.
Nhưng vào thời điểm ấy, một số VĐV giỏi của điền kinh Việt Nam sẽ bước sang "bên kia sườn dốc" của sự nghiệp. Chính vì vậy, một kế hoạch và chương trình đầu tư trọng điểm cho các tài năng trẻ như Dương Thị Việt Anh (nhảy cao), Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ), Trần Huệ Hoa (nhảy ba bước), Dương Văn Thái (800m, 1.500m), Quách Thị Lan (400m)… ngay từ thời điểm này là rất cần thiết để bảo đảm thành tích của điền kinh Việt Nam tại ASIAD 18-2019.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.