Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành trình thắp sáng những niềm tin

H.Đ| 11/10/2013 10:54

Tập đoàn Bảo Việt đã tổ chức chương trình “Bảo Việt - Kết nối yêu thương: Hướng về miền Trung thân yêu” nhằm kêu gọi cán bộ nhân viên chung tay giúp đỡ đồng bào khắc phục khó khăn.

Cán bộ nhân viên Tập đoàn Bảo Việt chung tay giúp đỡ đồng bào miền Trung


Kết nối yêu thương - hỗ trợ ngay hơn 500 triệu đồng

Ông Hoàng Việt Hà, Giám đốc hoạt động Tập đoàn Bảo Việt chia sẻ: “Truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách luôn được Bảo Việt chú trọng thực hiện trong suốt quá trình hoạt động 48 năm qua. Nằm trong chuỗi các hoạt động “Kết nối yêu thương” của Bảo Việt, chương trình này như là sự chia sẻ của từng cán bộ Bảo Việt hướng tới đồng bào miền Trung thân yêu - nơi thường xuyên gánh chịu những tổn thất nặng nề từ những đợt bão lũ.”

“Chúng tôi hy vọng người dân sẽ vượt qua những khó khăn và nỗi đau mất mát. Bão có thể xóa tan nhà cửa, tài sản và cả con người, nhưng không thể xóa đi tinh thần lạc quan vượt lên trên thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên và niềm tin yêu cuộc sống của chúng ta,” ông Hà nói.

Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi triển khai, chương trình “Bảo Việt - Kết nối yêu thương: Hướng về miền Trung thân yêu” đã huy động được số tiền hơn 500 triệu đồng từ Quỹ An sinh xã hội và từ chính sự đóng góp tự nguyện, chân thành từ các cán bộ nhân viên Bảo Việt trên địa bàn Hà Nội.

Tập đoàn Bảo Việt đã phối hợp với các công ty thành viên của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt và Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ tại các địa phương để nắm bắt tình hình thực tế thiệt hại tại các tỉnh, từ đó có kế hoạch cụ thể hỗ trợ người dân.

Hành trình hướng về Miền Trung - hành trình thắp sáng những niềm tin


Hành trình về với Miền Trung của Bảo Việt qua 4 địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị là hành trình mà các cán bộ Tập đoàn cảm nhận được rõ rệt nhất nỗi đau mất mát đang đè nặng lên vai đồng bào, nhưng đâu đó vẫn có những đôi mắt ánh lên niềm hy vọng, niềm tin yêu vào cuộc sống.

Sau khi trao tặng 150 triệu đồng cho người dân tại huyện Quỳnh Lưu, Hoàng Mai (Nghệ An), đoàn đã nhanh chóng tới Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Cán bộ huyện Kỳ Anh cho biết Tập đoàn Bảo Việt là đơn vị đầu tiên đến với bà con ngay khi cơn bão đi qua.

Tiếp đại diện Tập đoàn Bảo Việt, chị Lê Thị Chính - một trong số các hộ gia đình nhận được sự trợ giúp của Bảo Việt tại Kỳ Anh - đã không nén nổi những giọt nước mắt. Bão số 10 đã nhấn chìm toàn bộ số tiền gia đình chị tích cóp để làm kinh tế: phá hỏng toàn bộ hoa màu, giết chết đàn gia súc và vật nuôi đồng thời phá tung mái nhà của gia đình chị. Đây cũng là tình trạng chung của các gia đình tại huyện Kỳ Anh. Giảm thiểu tổn thất là niềm mong mỏi lớn của chị nhưng nỗi lo lớn nhất chính là con chị sẽ khó có thể được tiếp tục đến trường vì nhiều trường học tại huyện Kỳ Anh đều bị ảnh hưởng bởi cơn bão.

Thấu hiểu nỗi lo lắng ấy đồng thời cũng bởi đầu tư cho giáo dục là một trong những trọng tâm trong hoạt động cộng đồng của Bảo Việt, Tập đoàn đã trợ cấp cho 5 trường học bị thiệt hại nặng nhất. Việc hỗ trợ kịp thời, khẩn trương sẽ giúp trường nhanh chóng khôi phục cơ sở vật chất, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của cơn bão tới việc học tập của các em.

Vun đắp niềm tin cho những cây cao su sớm hồi sinh

Sang ngày 7/10, đoàn đã đến với 2 tỉnh hứng chịu hậu quả nặng nề nhất từ cơn bão số 10 là Quảng Bình và Quảng Trị. Những con số thống kê khó mà nói được hết những thiệt hại trong thực tế.

Tại Quảng Bình, 1.300 cột điện bị gãy đổ, 150 nghìn ngôi nhà bị tốc mái, 450 nhà sập đổ hoàn toàn, hơn 100 tàu bị nhấn chìm, trôi dạt vào bờ, các nhà lợp mái ngói và mái tôn đều bị bão cuốn bay nóc, hai phần ba tỉnh Quảng Bình bị mất điện trong nhiều ngày,...

Nhưng thiệt hại nặng hơn mà bão Wutip gây ra cho bà con 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đó là 80% diện tích trồng cây cao su bị phá hủy. Trong những câu chuyện chia sẻ cùng bà con, nhiều người đã không giấu nổi nỗi đau và sự lo lắng khi được hỏi về thiệt hại kinh tế mà cơn bão gây ra cho gia đình.

Để trồng được cây cao su đòi hỏi vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng và phải chờ từ 7-10 năm mới có thể thu hoạch mủ cao su. Thế nhưng công sức bao năm của các hộ bỗng chốc bị phá hủy trong 5 giờ. Vốn vẫn chưa thu hồi, nhà phải sửa chữa, thiệt hại lên đến hàng trăm triệu mỗi hộ.

Cụ Nguyễn Thị Hồng, 77 tuổi, sống tại xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cho biết các con cụ đều là công nhân cạo mủ cao su, nhưng sau cơn bão cao su bị phá hủy hết, các con cụ bị mất việc, giờ tất cả giờ trông vào tiền trợ cấp hơn 2 triệu đồng hàng tháng của nhà nước.

Hoàn cảnh khốn khó của bà con cần lắm những tấm lòng nhân ái. Bảo Việt đã hỗ trợ mỗi gia đình số tiền 1 triệu đồng/hộ, hy vọng đóng góp nhỏ bé này sẽ phần nào giúp người dân vượt qua khó khăn, sớm gây dựng lại được những gì đã mất.

Niềm tin cho những mái nhà ấm áp

Sống tại hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, các cán bộ của Bảo Việt cũng không tránh khỏi những thiệt hại do cơn bão gây ra. Đoàn đã hỗ trợ 61 gia đình cán bộ Bảo Việt tại hai tỉnh với số tiền 1 triệu đồng/hộ.

Chị Nguyễn Hồng Thu, cán bộ Công ty Bảo Việt Nhân thọ Quảng Bình chia sẻ: bao năm đi làm tích cóp, vợ chồng tôi quyết định tu sửa lại căn nhà hiện tại để gia đình có được nơi ở khang trang hơn. Thế nhưng, còn chưa kịp mời bà con đồng nghiệp đến nhà mới thì bão ập đến khiến công trình bị hư hỏng một phần. Xe tải chở vật liệu của chồng tôi trên đường đi gặp bão, không thể sử dụng được. Tàu cá của gia đình chồng tôi cũng bị bão cuốn, va vào tàu khác và bị hư hỏng nặng.

Tuy nhiên, trong cái rủi còn có cái may, bởi là một cán bộ Bảo Việt, tôi nhận thức rõ được vai trò của bảo hiểm trong việc san sẻ rủi ro, giảm bớt các gánh nặng tài chính khi có sự cố xảy ra. Gia đình tôi đã mua một số sản phẩm bảo hiểm của Bảo Việt bao gồm bảo hiểm nhà tư nhân, bảo hiểm xe cơ giới, vì thế chúng tôi được chia sẻ một phần nỗi lo về tài chính. Nay được Tập đoàn quan tâm, hỗ trợ thêm, bản thân tôi thấy mình như được tiếp sức mạnh, thêm niềm tin lạc quan vào cuộc sống để tiếp tục vượt qua khó khăn và thêm gắn bó với Bảo Việt.

Chứng kiến những mất mát của bà con, đoàn Bảo Việt cũng nhận thấy giá như bà con đầu tư mua bảo hiểm thì có lẽ gánh nặng về tài chính sẽ giảm bớt đi. Những trường hợp như cụ Hồng, như chị Chính đều có thể chủ động giảm thiểu các rủi ro cho gia đình thông qua việc mua bảo hiểm cho vật nuôi, bảo hiểm cho ngôi nhà, số tiền đầu tư cho bảo hiểm không nhiều nhưng khi rủi ro xảy ra mới thấy hết vai trò của bảo hiểm trong việc san sẻ gánh nặng tài chính.

Chia sẻ gánh nặng tài chính

Thiệt hại của bà con cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bồi thường trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ của Bảo Việt, đặc biệt là nghiệp vụ bảo hiểm công trình, bảo hiểm tàu cá, bảo hiểm xe cơ giới. Bản thân cơ sở của Công ty Bảo Việt Quảng Bình cũng bị bão phá hủy: các tấm kính cửa sổ bị vỡ, kho chứa hồ sơ bị ngập úng, mái tôn bị tốc,… Tuy vậy, đơn vị vẫn đang tích cực triển khai công tác đánh giá thiệt hại, giám định bồi thường, kịp thời giải quyết quyền lợi cho bà con bị nạn để chia sẻ bớt gánh nặng tài chính.

Ước tính tổng số vụ thiệt hại phát sinh là khoảng 100 vụ, với tổng số tiền chi trả bảo hiểm ước khoảng 22 tỷ đồng. Cụ thể, nghiệp vụ bảo hiểm tài sản 43 vụ, ước tổn thất 8,2 tỷ đồng; nghiệp vụ bảo hiểm xây dựng lắp đặt 27 vụ, ước tổn thất 11,9 tỷ đồng; nghiệp vụ bảo hiểm học sinh 2 vụ, ước tổn thất 13 triệu đồng; nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp 1 vụ, ước tổn thất 700 triệu đồng; nghiệp vụ bảo hiểm tàu 2 vụ, ước tổn thất 800 triệu đồng; nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới 24 vụ, ước tổn thất 275 triệu đồng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình thắp sáng những niềm tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.