Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành trình học nói tiếng yêu thương qua “Chuyến phiêu lưu của Edward Tulane”

Hoàng Lân| 25/02/2010 13:52

(HNMO) - Đã có những câu chuyện cổ tích khiến các em thiếu nhi mê mẩn trong suốt thời gian thơ ấu bởi ở đó các em được học những bài học về cuộc sống. Câu chuyện “Chuyến phiêu lưu kỳ diệu của Edward Tulane” của nữ tác giả Kate DiCamilo cũng là một truyện cổ tích với bài học về hành trình học tiếng yêu thương. Tác phẩm đã từng đoạt giải thưởng Boston Globe-Horn 2006 và đã đến Việt

Nam.

Trong ngôi nhà trên phố Ai Cập, có một chú thỏ bằng sứ tên là Edward Tulane. Chú được làm ra bởi một người chế tác đồ chơi bậc thầy, được mặc trên người những bộ quần áo tuyệt hảo đặt may riêng. Chú tự yêu và đề cao bản thân, không màng tới cô chủ Abilene đang vô cùng nâng niu chú. Thế nhưng, trên chuyến đi lênh đênh vượt đại dương, một thằng bé bất kham đã vô tình quăng chú khỏi mạn tàu. Và từ đó hành trình lưu lạc, cũng là hành trình học nói tiếng yêu thương của Edward Tulane bắt đầu. Chú phải trải qua qua những ngày dài dưới lòng đại dương khi trên người chẳng có được một bộ cánh bảnh bao nào.


Câu chuyện là hành trình học nói tiếng yêu thương

Sau một cơn bão, chú được ông lão đánh cá Lawrence kéo lên và mang về nhà và được đổi tên thành một cô thỏ Nellie. Phút chốc chú trở thành nguồn vui của đôi vợ chồng già. Nhưng sau cái nhìn của Lolly – con gái của vợ chồng Lawrence – chú lại bị vùi dập trong mớ rác hỗn độn dưới bàn tay tàn nhẫn của cô. Edward lại tiếp tục chịu đựng những ngày dài nơi bãi rác, nhưng đó lại là điểm khởi đầu cho những tháng ngày thong dong suốt bảy năm sau lưng gã nhà nghèo Bull và được đặt một cái tên mới: Malone.

Một chú thỏ bằng sứ còn có thể đi tới những đâu? Một chú thỏ bằng sứ có thể sống và yêu như thế nào? Tình yêu mang vị gì? Nếu là vị đau, chú có nên tiếp tục thương yêu và được thương yêu? Tất cả được trả lời với bút pháp đầy chất thơ trong Chuyến phiêu lưu diệu kỳ của Eward Tulane. Có thể nói rằng, với câu chuyện viết cho thiếu nhi nhưng không chỉ dành riêng cho thiếu nhi này, tác giả Kate Di Camillo cũng đã vượt qua một hành trình phi thường để giành trọn say mê và mở rộng trái tim cho độc giả. Bên cạnh đó, nét vẽ minh họa tinh tế của Bagram Ibatoullines góp phần không nhỏ vào thành công của tác phẩm

Nữ tác giả Kate DiCamilo là một trong số năm tác giả hai lần nhận Huy chương Newbery (*). Cô sinh năm 1964 tại Philadenphia, Pennsylvania. Từ nhỏ, cô là bé gái có sức khỏe kém, do chịu đựng bệnh đau phổi (được nhận thấy qua hình ảnh nhân vật trong một số tác phẩm). Năm 1987, cô tốt nghiệp Đại học Florida và sống bằng nhiều nghề khác nhau. Vào năm 30 tuổi, Kate dời đến Minneaplolis, Minnesota và làm việc trong một hiệu sách. Chính công việc này đã tạo nguồn cảm hứng cho cô viết sách thiếu nhi và mang đến cho cô cơ hội tiếp cận Nhà xuất bản Candlewick khi trình bản thảo đầu tiên - Bởi vì Winn-Dixie (được Nhã Nam phát hành quý 1 năm 2010)

Sau khi tác phẩm đầu tiên nhận được Huy chương Newbery 2001, Kate đã cho ra đời hàng loạt những tác phẩm ăn khách khác, đó là The Tiger Rising (Giải thưởng Sách Quốc Gia 2001), Chuyện Desperaux (Huân chương Newbery 2004), Chuyến phiêu lưu diệu kỳ của Edward Tulane (Giải thưởng Boston Globe-Horn 2006). Cô được xem là tay viết khỏe, nhận được nhiều giải thưởng sách thiếu nhi nhất hiện nay và các tiểu thuyết của cô đều được các hãng phim săn đón chuyển thể. Hiện nay, tác phẩm mới nhất - The Magician’s Elephant – đã được hãng 20th Century Fox đặt mua bản quyền. Ngoài ra, Kate Dicamillo vừa mới hoàn thành loạt truyện Mercy Watson được cô viết liên tục từ năm 2005.

Mặc dù độc thân, nhưng Kate đang có cuộc sống tràn đầy hạnh phúc cùng ba cô cháu gái đáng yêu và một chú cún nhỏ Henry. Chính sức viết dồi dào, tinh thần lạc quan và yêu thương trẻ em đã giúp Kate thành công trên văn nghiệp của mình. Các tác phẩm của cô không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà còn khiến người lớn yêu đời bởi hàm chứa những giá trị tinh thần gần gũi, quý giá.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hành trình học nói tiếng yêu thương qua “Chuyến phiêu lưu của Edward Tulane”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.