Các du khách bị mắc kẹt vì khói từ núi lửa đang chen chân tại các bến xe buýt, tàu và thậm chí taxi với giá cắt cổ với mong muốn duy nhất: thoát khỏi châu Âu.
Tây Ban Nha bỗng nhiên trở thành điểm đến đáng mơ ước, không phải vì các bãi biển hay những công trình kiến trúc, mà đơn giản vì đó là một trong số rất ít các nước châu Âu không bị ảnh hưởng bởi làn khói dày đặc vẫn lan từ núi lửa Iceland ra khắp lục địa này.
Hành khách ngủ khi chờ chuyến bay tại phi trường Barajas, Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: AP. |
Những dòng người bất tận đang nối đuôi nhau tại nhà chờ ở sân bay Bajaras của Madrid với hy vọng tìm được cơ hội thoát ra khỏi đây.
"Tôi chỉ trong danh sách chờ thôi và hiện tại vô gia cư. Tôi đang cố kiếm lấy một vé", Roberta Marder, 73 tuổi, từ, Oklahoma, Mỹ, cho hay.
Nhiều người phải vượt qua những chặng đường gian nan để đến được Madrid.
Doug Hahn, 36 tuổi, từ Oregon, Mỹ, đã yên vị trên phi cơ ở Amsterdam thì chuyến bay bị hủy. Anh cùng ba hành khách khác thuê một chiếc xe với giá 800 USD rồi tự lái đến Madrid, hành trình kéo dài 16 tiếng. Lúc đầu, công ty cho thuê xe đòi 2.150 USD cho quãng đường một chiều kia. Hahn may mắn kiếm được vé về Miami trong ngày hôm đó.
Tây Ban Nha bắt đầu cho phép Anh và một số nước châu Âu khác sử dụng sân bay của họ làm điểm luân chuyển để hàng nghìn hành khách còn mắc kẹt tại các nước đó vì khói bụi núi lửa.
Với điều kiện bay không chắc chắn, chỉ một phần nhỏ các sân bay ở châu Âu còn hoạt động. Eurocontrol, cơ quan kiểm soát hàng không lục địa này, dự đoán chỉ khoảng 8.000 - 9.000 chuyến bay có thể cất cánh, chưa đầy một phần ba so với mức bình thường, và chỉ chủ yếu từ nam Âu.
Khi giao thông đường không gặp khó, các hãng vận tải khác tìm cơ hội kiếm tiền. Một hãng cho thuê xe của Đức ra giá 1.400 USD cho quãng đường một chiều từ Belgrade, Serbia, tới Munich, Đức trong khi một công ty khác tính giá 2.500 USD cho đoạn đường từ Madrid tới Brussels, Bỉ.
Magnus Klintback, phát ngôn viên một công ty taxi Kurir của Thụy Điển, cho biết khoảng 50 khách hàng sẵn lòng trả tới 5.000 USD để đi từ Stockholm tới các thành phố ở châu Âu nơi họ có thể bắt máy bay về nhà.
Trong khi đó, nhiều hành khách khốn khó vì mắc kẹt ở các sân bay. Uwe Witzel, phát ngôn viên phi trường Frankfurt lớn nhất châu Âu, cho biết khoảng 500 người chủ yếu từ châu Phi và châu Á không có visa vào EU đã phải ở trong sân bay 4 ngày qua.
Giới chức Áo bỏ lệnh cấm bay hôm qua và 65 chuyến cất cánh nhưng hầu hết là các chuyến bay trong châu Âu. Chỉ có hai chuyến bay liên lục địa là tới Bắc Kinh và Bangkok vào cuối ngày.
Attinchat Apirukkunwong không kiếm được vé trên cả hai chuyến đó. "Giờ tôi vẫn kiên nhẫn nhưng chắc không được lâu nữa", người đàn ông từ Bangkok này nói và cho biết thêm rằng kỳ nghỉ ở châu Âu của anh cuối cùng trở nên tồi tệ. Attinchat hy vọng sớm được về nhà bằng máy bay của hãng Turkish Airlines quá cảnh qua Istanbul.
Các hành khách châu Âu muốn về nhà cũng đang trong tình trạng tương tự. Tại sân bay quốc tế Incheon ở Seoul, một nhóm khoảng 30 người chặn quầy vé của Korean Air và yêu cầu gặp ban giám đốc công ty để sắp xếp cho họ tới bất kỳ nơi nào ở châu Âu. Họ mang theo tấm biển có dòng chữ "Chúng tôi muốn về nhà".
"Chúng tôi cần một chuyến bay", Thierry Loison, du khách Pháp mắc kẹt tại Incheon từ hôm 16/4 sau khi đi nghỉ ở Bali, Indonesia, cho biết. "Sáng nay chúng tôi chẳng khác gì động vật".
Hành khách nằm la liệt trên những tấm chăn trải xuống sàn trong nhà chờ sân bay và than phiền về tình trạng thiếu phòng khách sạn. Họ cho biết chỉ nhận được phiếu ăn miễn phí một bữa mỗi ngày tại quầy McDonald trong khi tiền thì đang cạn dần.
Chloe Paull, giáo viên trợ giảng tại một trường cấp hai ở Anh, cũng trong số những người vạ vật tại Incheon từ hôm 17/4 sau kỳ nghỉ ở Nhật. Hãng Air France có thể đưa cô trở lại Nhật để đặt vé về nhà vào ngày mai.
"Vấn đề là có thể tôi sẽ lại mắc kẹt ở Nhật, chẳng khác gì ở đây", cô cười to và nói. Cô cho biết gánh nặng tài chính đang mỗi lúc một lớn lên. "Lương của tôi không được dư dả cho lắm mà tôi lại tiêu rất nhiều ở Nhật rồi", cô nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.