Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành trình đi tìm sự thật

Đỗ Minh| 23/10/2013 05:59

(HNM) - Chiến tranh chống Mỹ đã lùi xa ngót bốn chục năm, song nỗi đau, sự mất mát vẫn còn dư âm tới ngày hôm nay. Bên cạnh những người lính chiến thắng vinh quang, trở về trong vòng tay người thân, cũng có những người mãi nằm xuống nơi đất khách chưa được đưa về quê hương.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh (thứ hai từ trái sang) trao đổi với gia đình về hồ sơ của quân nhân Đào Như Ý.



Nỗi đau mất mát

Trong chiều thu se lạnh, chúng tôi về Phú Lương và nghe được câu chuyện đi tìm sự thật cho người anh trai đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của ông Đào Tự Lịch. Theo ông Đào Tự Lịch, anh trai ông là quân nhân Đào Như Ý, sinh năm 1947, nhập ngũ tháng 2-1968. Từ khi nhập ngũ đến tháng 1-1969 gia đình vẫn nhận được thư đều đặn của anh trai ở chiến trường gửi về. Nhưng từ tháng 2-1969 đến nay, gia đình không nhận được thông tin gì về anh Đào Như Ý nữa. Sau một vài năm không nhận được thư, bố mẹ quân nhân Đào Như Ý đã tìm mọi cách để tìm thông tin về người con của mình. Nhưng chiến tranh khốc liệt, mọi thông tin đều đứt đoạn. Sau ngày đất nước thống nhất, không thấy tin tức gì của con, cụ Đào Tự Ái (bố quân nhân Đào Như Ý) đã lặn lội nhiều nơi, đến nhiều cơ quan chức năng để hỏi tin tức về con mình, nhưng không cơ quan nào trả lời cho ông biết. Gia đình ông cũng đã nhiều lần vào tận các tỉnh phía Nam để tìm tin tức nhưng vẫn không thấy.

Đến tháng 7-2013, thông qua Trung tâm thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, ông Đào Tự Lịch biết anh trai mình trước đây chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Khi đến Ban Chính sách Quân đoàn 4, ông Đào Tự Lịch nhận được đầy đủ thông tin về anh mình. Cụ thể: Liệt sĩ Đào Như Ý, hy sinh ngày 13-8-1969, chức vụ Đại đội phó Đại đội 10, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 209; an táng tại làng 10, Lộc Ninh tỉnh Bình Phước. Sau khi có được thông tin, gia đình ông Đào Tự Lịch đến làng 10, nhưng người dân nơi đây cho biết có mộ chí của một liệt sĩ, nhưng chưa xác định được danh tính nên chưa quy tập về nghĩa trang liệt sĩ.

Ông Đào Tự Lịch chia sẻ: Khi tìm về đại đội nơi anh trai chiến đấu, xác minh đầy đủ thông tin về sự hy sinh của anh mình ông mới thấy lòng được an ủi. Người anh trai vì sự nghiệp giải phóng đất nước đã nằm xuống, nhưng 44 năm sau ngày hy sinh vẫn không được công nhận làm liệt sĩ. Đau xót hơn, có người ác khẩu còn "lời ra, tiếng vào" về lòng trung thành của ông. Ông Lịch bức xúc: "Suốt 44 năm qua, gia đình tôi sống trong dư luận có người thân đào ngũ, phản bội Tổ quốc. Cũng bởi sự thật chưa được làm sáng tỏ nên cách đây 17 năm, khi được tổ chức Đảng xem xét kết nạp, vợ tôi đã không được chấp nhận vì sự "mất tích" của anh trai tôi. Khi qua đời, cha mẹ tôi vẫn phải chịu ẩn ức vì những lời đồn thổi này, chết cũng không được thanh thản".

Trách nhiệm của người còn sống

Vượt qua dư luận, ông Đào Tự Lịch đã quyết tâm tìm kiếm hài cốt và khôi phục danh dự cho người anh đã hy sinh. Ông Lịch lại hành trình tìm về đơn vị anh trai đã chiến đấu. Thật may mắn, ông Lịch gặp được Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó Tư lệnh chính trị, Bí thư Đảng ủy Quân đoàn 4. Ông Doanh sau khi nghỉ hưu tham gia đi tìm hài cốt liệt sĩ và hiện ông là Giám đốc Trung tâm tìm kiếm mộ liệt sĩ Việt Nam.

Ông Doanh chia sẻ: Trải qua mấy chục năm đi tìm hài cốt liệt sĩ, nhưng trường hợp của liệt sĩ Đào Như Ý là đặc biệt, từ trước tới giờ tôi chưa gặp, được biết khi đồng chí đã là đại đội phó. "Chưa báo tử được trong điều kiện chiến đấu, thông tin có trắc trở do người đưa tin bị phục kích hay do bom đánh dọc đường và làm cho văn bản thất lạc nên Bộ Chỉ huy miền không báo ra ngoài Bộ Quốc phòng được. Tuy nhiên, theo hồ sơ lưu giữ và những chiến sĩ chiến đấu cùng liệt sĩ Đào Như Ý thì hơn 44 năm nay đồng chí vẫn chưa được báo tử khiến tôi rất ngạc nhiên, bất bình. Đó cũng là một phần lỗi, trách nhiệm của đơn vị chúng tôi quản lý". Hiện, đơn vị có đầy đủ cứ liệu, nhân chứng để chứng minh sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Đào Như Ý. Không được hưởng chính sách ưu đãi và công nhận của Nhà nước đối với người có công, lại chịu tiếng vì "theo giặc" là thiệt thòi và tổn thất rất lớn về tinh thần đối với gia đình liệt sĩ Đào Như Ý.

Cũng như Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, ông Trần Trung Lương, trước công tác tại Ban Tham mưu Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Sau khi về hưu ông tiếp tục đi tìm hài cốt những liệt sĩ. Hiện ông đang làm trong Ban Liên lạc truy tìm liệt sĩ của miền Đông Nam bộ nói chung và của Quân đoàn 4 nói riêng. Chính ông Lương là người cung cấp cho gia đình biết liệt sĩ Đào Như Ý đã hy sinh, hồ sơ hiện nằm ở Quân đoàn 4. Ông Lương chia sẻ: Theo danh sách của các liệt sĩ hy sinh trong đơn vị, liệt sĩ Đào Như Ý là sĩ quan ở Đại đội 10, Trung đoàn 209, là đảng viên Đảng CSVN. Đại đội hỏa lực Trung đoàn 209 do đồng chí Đào Như Ý chỉ huy chiến đấu. Nhưng chốt đánh địch của đồng chí bị lộ, đồng chí đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu. Ông Lương cho biết: Đại đội có người hy sinh thì văn thư của đại đội vào sổ báo cáo về tiểu đoàn và cùng với đồng chí chính trị viên phó đại đội và đồng chí chính trị viên trưởng tiểu đoàn làm công tác liệt sĩ chu đáo. Thông thường, sau khi mai tang các anh em hy sinh, chúng tôi sẽ vẽ lại sơ đồ vị trí và báo cáo lên trên. Sau đó, hệ thống đó báo cáo về trung đoàn, trung đoàn báo về sư đoàn, sư đoàn có trách nhiệm báo miền, miền có trách nhiệm báo về Cục Người có công ngoài Hà Nội để đi xuống hệ thống báo tử. Không hiểu lý do gì, nhưng tất cả lưu trữ của quân nhân Đào Như Ý hy sinh ở đâu, ngày tháng nào đều rất cụ thể, hy sinh trong hoàn cảnh đang điều nghiệm trận địa mà đến giờ vẫn không có giấy báo tử và được công nhận. "Đó là sai của chúng tôi và thiệt thòi cho gia đình liệt sĩ.

Cũng tâm trạng bức xúc như hai đồng đội cũ của liệt sĩ Đào Như Ý, ông Trần Mạnh Cường, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 cùng đi tìm hài cốt liệt sĩ Đào Như Ý với gia đình chia sẻ: Khi đồng chí Ý hy sinh, đơn vị đã làm các thủ tục báo tử theo đúng quy định của Nhà nước và quân đội. Còn lý do vì sao không có đầy đủ giấy tờ, thủ tục báo tử về cho gia đình để đến nay đồng chí chưa được công nhận là liệt sĩ là tổn thất lớn của gia đình và đơn vị.

Chiều 21-10-2013, gọi điện thoại cho phóng viên Báo Hànộimới, ông Đào Tự Lịch phấn khởi thông báo: Sau khi nhận được đơn của gia đình, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã có công văn gửi Quân đoàn 4 đề nghị xác minh về trường hợp liệt sĩ Đào Như Ý. Quân đoàn 4 cũng đã có công văn phúc đáp, khẳng định hồ sơ lưu trữ tại Quân đoàn và sự hy sinh cao cả của liệt sĩ Đào Như Ý. Nhiệm vụ cấp thiết bây giờ thuộc về các cơ quan chức năng là phải nhanh chóng làm các thủ tục cần thiết công nhận liệt sĩ Đào Như Ý, tổ chức lễ truy điệu và làm đầy đủ thủ tục chính sách để phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát và bị hiểu lầm của gia đình đã phải chịu đựng đằng đẵng trong suốt 44 năm qua…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình đi tìm sự thật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.