Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành trình “Con đường di sản miền Trung”

TUANANH| 20/01/2004 13:20

Đó là một chùm tài sản vô giá, 4/5 di sản thế giới của Việt Nam gồm Hội An, Mỹ Sơn, Huế và Phong Nha nằm liền nhau ở dải đất miền Trung. Năm 2004, Chương trình “Con đường di sản miền Trung” sẽ được triển khai trên khắp các nẻo đường miền đất còn nhiều khó khăn này: mở đầu bằng lễ đón nhận Bằng di sản thiên nhiên thế giới của Phong Nha - Kẻ Bàng vào tháng 2 và kết thúc vào dịp cuối năm trong không khí kỳ ảo của ngày hội Đêm rằm phố cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn…

Đó là một chùm tài sản vô giá, 4/5 di sản thế giới của Việt Nam gồm Hội An, Mỹ Sơn, Huế và Phong Nha nằm liền nhau ở dải đất miền Trung. Năm 2004, Chương trình “Con đường di sản miền Trung” sẽ được triển khai trên khắp các nẻo đường miền đất còn nhiều khó khăn này: mở đầu bằng lễ đón nhận Bằng di sản thiên nhiên thế giới của Phong Nha - Kẻ Bàng vào tháng 2, tiếp đến là những “Ngày hội sông Hàn” tại Tp. Đà Nẵng diễn ra vào tháng 3. Rồi tháng 4, 5 lại rộn rã với Festival Huế 2004, để tiếp nối đến mùa hè dịu mát của sóng nước Nha Trang trong Tuần lễ văn hoá biển vào tháng 6. Điểm cuối của “Con đường di sản” sẽ dừng ở tháng 8 trong không khí kỳ ảo của ngày hội Đêm rằm phố cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn…

Dải đất miền Trung không chỉ nổi bật lên với 4 di sản thế giới, một kho tàng văn hoá các dân tộc phong phú, mà nơi đây còn có hàng trăm di tích lịch sử, văn hoá, nhiều bãi biển đẹp như: Mỹ Khê, Lăng Cô, Cửa Tùng, Cửa Việt... và hệ động thực vật phong phú ở các khu bảo tồn thiên nhiên như Cù lao Chàm, Bà Nà, Bạch Mã... hằng năm thu hút khoảng 30% lượng khách quốc tế vào Việt Nam và 10% lượng khách nội địa của cả nước. Thiên nhiên đã ban tặng cho miền Trung nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng như: Cửa Lò, Lăng Cô, Non Nước, Cửa Đại, Sa Huỳnh, Nha Trang, Phan Thiết…; hệ thống hang động kỳ thú của Phong Nha, Ngũ Hành Sơn; dãy Trường Sơn hùng vĩ với những ngọn núi cao trên 200m như Ngọc Linh, Chư Yang Sin…

Kỳ bí Phong Nha - Kẻ Bàng

Động Phong Nha

“Con đường di sản miền Trung” 2004 như đã nói được khởi động bắt đầu từ Quảng Bình với Phong Nha - Kẻ Bàng. Đây là một vị trí đặc biệt quan trọng vì là di sản thiên nhiên duy nhất trong số 4 di sản thế giới của miền Trung hội tụ đủ các loại hình du lịch mang nhiều nét hấp dẫn như: tham quan, thám hiểm, thể thao địa hình, du lịch chữa bệnh… Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng bao gồm một quần thể hang động phong phú, kỳ vĩ và một khu rừng nhiệt đới nguyên sinh với độ che phủ trên 95% và có tính đa dạng sinh học cao. Thêm vào đó, Thắng cảnh Phong Nha lại nằm trong quần thể các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, văn hoá nổi bật của miền Trung, bao gồm: đường Hồ Chí Minh, sông Gianh, đèo Ngang, bến phà Xuân Sơn… lưu giữ nhiều dấu tích khảo cổ và di tích lịch sử quý giá.

Quần thể hang động ở Phong Nha-Kẻ Bàng được đánh giá là một trong những cảnh quan đẹp nhất thế giới với các đặc trưng có sông ngầm dài nhất, các hang có chiều cao và rộng nhất, các bãi cát trong hang dài nhất và có thạch nhũ đẹp nhất. Hiện nay, 20 hang động với tổng chiều dài trên 70km đã được đoàn khảo sát Hoàng gia Anh phối hợp với Khoa Địa lý ĐHQG Hà Nội khảo sát và công bố. Cùng với hệ thống hang động kỳ diệu, sông Tróc, sông Chày, sông Son trong khu Phong Nha-Kẻ Bàng với dòng nước trong xanh chảy giữa vùng núi đá có rừng, đã tạo nên cảnh đẹp thơ mộng như bức tranh thuỷ mặc quyến rũ du khách.

Ấn tượng sông Hàn

Phú Vân Lâu, Huế

Nằm trong hành trình Huế - Đà Nẵng thì xứ Huế mộng mơ giờ đây đã không còn là một địa danh lạ lẫm với khách du lịch cả trong và ngoài nước. Cố đô Huế - điểm nhấn của du lịch miền Trung đã từng rất thành công với việc tổ chức các Festival mang các chủ đề di sản văn hoávới hội nhập. Người Huế có quyền được tự hào với những tài sản lịch sử văn hoá vô giá của mình, và trong năm nay, những cái tên Đại Nội, cung An Định, Hồ Tịnh Tâm, đàn Nam Giao, sông Hương, núi Ngự… vẫn đang là những nơi lý tưởng, sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp trong dịp diễn ra Festival Huế 2004. Nét trầm tư của xứ Huế được coi như một món đồ trang sức làm đẹp thêm cho hành trình di sản Huế - Đà Nẵng, đặc biệt là cho những “Ngày hội sông Hàn” của Đà Nẵng. Thành phố biển này tuy không có di sản thế giới được công nhận như Huế, nhưng với những lợi thế về đường biển và đường không thì lại không thể thiếu trên Con đường di sản. Trong suốt tháng 3, Đà Nẵng sẽ nhộn nhịp với những hoạt động văn hoá thể thao hoành tráng và sôi động trong niềm vui hân hoan của người dân địa phương khi thành phố của họ được “lên hạng”.

Lưu luyến Hội An - Mỹ Sơn

Thánh địa Mỹ Sơn

Được hình thành từ thế kỷ XVI - XVII, trước đây là thương cảng của miền Trung, đến nay khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc gồm nhiều loại hình: Nhà ở, Hội quán, đình chùa, miếu, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ... kết hợp với đường giao thông ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ mô hình phổ biến của các đô thị thương nghiệp phương đông thời Trung đại - cùng cuộc sống thường ngày của cư dân với những tập quán, sinh hoạt văn hóa lâu đời đang được duy trì, nơi đây là bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.

Lễ hội đêm rằm ở phố cổ Hội An được tổ chức vào ngày 14 hàng tháng. Cái thú vị của hoạt động văn hoá này đó là nét tâm linh huyền ảo. Vào ngày này, tất cả các ngõ phố của Hội An sẽ chẳng có ánh đèn điện sáng choang mà thay vào đó là những ánh sáng mờ ảo của nến và đèn lồng và những điệu hát hoà khoan, bài chòi... Một Hội An xưa cũ trên bến dưới thuyền được tái hiện sẽ mê hoặc du khách.

Đoạn cuối cùng trên Con đường di sản miền Trung chính là Thánh địa Mỹ Sơn - Một trong những điểm du lịch thu hút du khách nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay. Mỹ Sơn có thể gọi nó là thánh địa của sự yên tĩnh. Đến Mỹ Sơn không chỉ là đến với một di sản văn hóa mà thế giới đã công nhận, mà còn đến với quá khứ, những truyền thuyết, những câu chuyện lịch sử và với những vẻ đẹp được sáng tạo từ hàng trăm năm trước. Đến Mỹ Sơn không phải cảm giác của một đêm hội, một cuộc dạo chơi trên phố hay một chuyến phiêu lưu trên biển. Mà đó là cảm giác của người được thả tâm hồn vào lịch sử và nghệ thuật.

Mỗi năm, khu vực miền Trung – Tây Nguyên đón hơn 1 triệu lượt khách du lịch quốc tế và hơn 3 triệu lượt khách nội địa. Doanh thu tăng gần 14%/năm. Đến nay, đã có gần 40 dự án được cấp phép hoạt động với số vốn lên hơn 1.300 triệu đô la. Tổng cục Du lịch dự kiến, trong năm 2004, du lịch miền Trung sẽ đạt các mục tiêu: tăng 30% lượng khách quốc tế; 20% lượng khách nội địa với tổng doanh thu du lịch tăng 30% so với năm 2003.

Tuấn Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Hành trình “Con đường di sản miền Trung”

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.