(HNM) - Sự cố phụ huynh học sinh xô đổ cổng Trường Thực nghiệm (Hà Nội) để mua đơn xin vào lớp 1 cho con mở đầu cho mùa "chạy trường" năm nay đã được nhiều người nhìn nhận theo những hướng khác nhau, thậm chí trái ngược.
Cuộc trao đổi với một chuyên gia về giáo dục tiểu học, từng là nhà quản lý cao nhất của bậc học và cũng là người viết đơn từ bỏ vị trí này - PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào - sẽ cho cái nhìn tổng thể về bậc học nền móng, nhưng lại không dễ thành công này.
Tiếc lắm, tiếng Việt 1
- Chắc ông cũng đoán ra lý do của "cuộc viếng thăm" đột ngột này! Xin cảm ơn ông vì đã nhận lời trò chuyện bởi tôi biết rằng, sau khi từ chức ông ít xuất hiện trên báo chí.
- Chắc chuyện vừa xảy ra ở Trường Thực nghiệm là lý do. Nhiều người đã nói về việc này, thậm chí họ còn nói rằng, cổng Trường Thực nghiệm đổ là một "cú hích lịch sử". Người ta bàn nhiều về nó theo cách hiểu của riêng mình, nhưng tiếc lại là hiểu theo những lời đồn. Ví như, nhiều người nói chương trình (CT) thực nghiệm mãi đến nay vẫn chưa được nghiệm thu, nhưng trên thực tế, nó đã được nghiệm thu từ năm 1990. Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước đã làm việc trong suốt 20 ngày. Kết quả nghiệm thu rất tốt, trong đó nổi bật là tiếng Việt 1. Nhưng tiếc là, khi người ta quyết định triển khai CT tiểu học 2000 vào năm 2001, họ đã xóa sổ tất cả.
- Tôi còn nhớ, dạo bắt đầu triển khai thí điểm CT tiểu học 2000, việc học sinh phải làm quen với tiếng Việt theo một trật tự mới, không bắt đầu từ a, b, c như cũ mà từ e, b, c đã tốn không biết bao giấy mực. Lạ là, dù nói ngược, nói xuôi thì những điều nhiều người cho là vô lý, hoặc chí ít là không cần thiết phải thay đổi ấy, vẫn đi vào thực tiễn?
- Không có gì là lạ. Vì tiền đã vay, dự án đã "chạy", phải ra sản phẩm mới, và người ta chọn bắt đầu dạy trẻ bằng âm e là một cái "mới" trong tiếng Việt 1. Tiêu tiền như thế, nay mai lại đổi, có khi người ta còn bắt đầu từ u, t, m ấy chứ. Không chỉ có tiếng Việt, dẫu đây là môn học vô cùng quan trọng bởi nó mở ra chân trời mới cho đứa trẻ, mà còn nhiều môn khác cũng có cái cách "đổi mới" như thế. Ngoài những chuyện như xây dựng CT, làm sách giáo khoa (SGK) theo quy trình ngược, có thể phải là những người trong giới mới hiểu thấu đáo, thì có những việc ai cũng thấy nực cười như mời chuyên gia nước ngoài đánh giá CT, SGK tiếng Việt và SGK đạo đức để dạy trẻ em Việt.
- Kể cả hành động từ chức để phản đối việc triển khai đại trà chương trình tiểu học 2000 của ông cũng không thể ngăn được việc ông cho là không đúng. Ông có tiếc không?
- Tiếc vì việc làm của mình là vô ích ư? Không, tôi chỉ tiếc là những cuốn sách cũ chẳng có tội lỗi gì mà người ta xóa hết đi, đưa ra sử dụng cái sống sượng. Một cuốn sách tiếng Việt lớp 1, tưởng là chỉ để dạy học sinh biết đọc biết viết, dễ quá, nhưng sự thực không dễ chút nào. Tại sao lại có hiện tượng "sáng sáu chiều một"? Là bởi vì, học đến lớp 6 rồi mà vẫn chưa đọc được nên sáng học lớp 6, chiều phải học lại chương trình lớp 1. Chuyện học sinh tốt nghiệp tiểu học mà khi đọc vẫn đánh vần từng chữ phần nào cho thấy mục tiêu của tiểu học dù chỉ là đọc thông viết thạo cũng không hề dễ.
- Chuyện ông vừa nói là căn bệnh thành tích chứ! Vì thành tích nên người ta cứ cho lên lớp, bất chấp chất lượng.
- Có nguyên nhân từ đấy, nhưng sâu xa là các nhà trường đang phải dạy theo bộ SGK duy nhất, không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, dân trí của từng địa phương. Không thể nào có một SGK chung cho cả học sinh Hà Nội lẫn học sinh thuộc dân tộc thiểu số nói tiếng Kinh còn chưa sõi. Hay là chuyện SGK viết 1 năm có 4 mùa nhưng đấy là ở miền Bắc, chứ trong Nam làm gì có 4 mùa. Trước kia, chúng ta xóa mù chữ được là nhờ có 4 bộ SGK để nơi nào cũng có thể lựa chọn một cuốn sách phù hợp nhất cho mình.
- Nghĩa là ông ủng hộ quan điểm một CT nhiều bộ SGK. Nhưng Luật Giáo dục lại ghi là "cả nước dùng một CT và SGK thống nhất".
- Người ta đã đồng nhất "thống nhất" với "duy nhất". Và đi đâu cũng nói rằng phải dùng một bộ SGK cho đúng luật. Người ta đã đưa một dự án vay vốn của Ngân hàng Thế giới mà sau này con cháu chúng ta phải trả nợ ấy vào "một căn hộ khép kín", ai không chấp nhận thì bị đẩy ra ngoài. Trong khi đó, "thống nhất" cần phải được hiểu là mục tiêu thống nhất, chuẩn thống nhất, CT thống nhất, còn SGK là một hình thức sư phạm hóa nên nó phải đa dạng.
Giáo dục = Kế thừa - Ổn định - Đổi mới
- Cho rằng phải thay đổi CT và SGK hiện hành, nhưng hình như ông lại phản đối đề án 70.000 tỷ đồng: đổi mới CT và SGK phổ thông?
- Năm 2004, chỉ sau 2 năm CT mới được triển khai đại trà, Nghị quyết Trung ương 9 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã đặt ra yêu cầu "kiên quyết giảm hợp lý nội dung CT học cho phù hợp với tâm sinh lý học sinh tiểu học, trung học cơ sở". Cho đến nay, ngành giáo dục vẫn loay hoay với giảm tải mà xã hội thì vẫn kêu quá tải. Thực ra giảm tải còn khó hơn làm mới. Tôi cho rằng, vẫn phải xây dựng một CT mới, vì đó là điều cần thiết và tính đến năm 2015 CT hiện hành được sử dụng trên 15 năm. Nhưng tôi phản đối đề án 70.000 tỷ đồng, tuy làm nhiều việc trong đó có CT và SGK, nhưng nếu không thay đổi cách làm thì không thể giải quyết được những vấn đề tồn tại trong việc xây dựng CT và viết SGK. Cái quan trọng không phải là thời gian và kinh phí. Tôi cho là, nếu cách làm đúng chỉ mất 2 năm và tiền thì chắc là không tốn nhiều hơn lần trước.
- Vậy theo ông thì phải làm theo cách nào?
- Cần phải xây dựng được mục tiêu cụ thể. Quan điểm, triết lý giáo dục thế nào, hệ thống và cách quản lý ra sao…, tất cả phải phục vụ cho mục tiêu giáo dục cụ thể. Ở bậc tiểu học, mục tiêu đó là trẻ được học một CT phù hợp; được tổ chức giảng dạy và các hoạt động hài hòa, lành mạnh; cuối cấp đạt trình độ đọc thông, viết thạo, thành thạo 4 phép tính, một số bài toán đố; có những hiểu biết về khoa học thường thức; biết hát múa, luyện tập sức khỏe, có kỹ năng sống. Tóm lại là trẻ em được hưởng nền giáo dục toàn diện, hài hòa, phù hợp lứa tuổi và phát triển lành mạnh. Tiếp nữa là phải có tổng chỉ huy giỏi. Trong tay Bộ GD-ĐT có cả triệu con người, không nên giao cho những người đã từng làm sai mà nên huy động lực lượng mới, giao việc cụ thể, có chế độ đãi ngộ hợp lý để người ta yên tâm làm CT, viết sách.
Và quan trọng nhất là tuân theo quy luật: Giáo dục = Kế thừa - Ổn định - Đổi mới. Trong từng giai đoạn cụ thể, tùy thuộc vào mục tiêu giáo dục và điều kiện phát triển giáo dục mà xử lý mối quan hệ giữa kế thừa, ổn định, đổi mới cho phù hợp. Không ai phản đối đổi mới, nhưng đổi mới phải kế thừa và ổn định. Có làm được như thế thì mới phát triển bền vững.
- Cụ thể đối với giáo dục tiểu học trong giai đoạn hiện nay thì mối quan hệ ấy là như thế nào, thưa ông?
- Kế thừa là xem cái gì tốt thì sử dụng. Thí dụ, về mặt tổ chức, học sinh được học 2 buổi/ngày là rất tốt, không có gì phải làm khác. Ổn định là xem những cái cũ, cái nào hợp lý còn dùng được thì cũng không cần đổi mới. Với bậc tiểu học, quan trọng nhất là dạy tiếng Việt, mà tiếng Việt thời nào học chả thế, nên chỉ cần xem trong các bộ sách đã có, sách nào tốt thì dùng. Còn đổi mới thì nên rút bớt số môn học, chỉ nên giữ những môn cơ bản như tiếng Việt, toán, khoa học thường thức, ở nơi có điều kiện học sinh từ lớp 3 có thể học ngoại ngữ. Các môn còn lại thì đưa vào các hoạt động văn thể, sinh hoạt chủ đề. Một số vấn đề cần phải đổi mới mạnh mẽ là đổi mới quản lý, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và công tác đánh giá, bao gồm cả đánh giá nhà trường, giáo viên và học sinh.
- Để kế thừa và ổn định, để quyết định đổi mới cái gì thì phải đánh giá đúng cái hiện có, nhưng hiện nay dường như việc tổng kết, đánh giá hoặc là tất cả đều tốt hoặc là phủ nhận sạch trơn. Có cách nào để tránh điều này khi chúng ta bước vào một chu trình thay sách mới không, thưa ông?
- Tư duy giáo dục được đổi mới theo hướng làm giáo dục theo quy luật là một quá trình mà kết quả của nó phải được thể hiện ra trong thực tiễn giáo dục ở từng cơ sở bằng quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục. Để đạt được mục tiêu đó cần có cách làm mới với những giải pháp phát triển giáo dục cơ bản, đáp ứng được 3 tiêu chí. Thứ nhất là tầm nhìn: nhìn xa, trông rộng. Xa tức là có tồn tại lâu dài hay không. Rộng là có bao phủ cả nước và so với các nước có ngang tầm hay không. Thứ hai là tính khoa học, không chỉ là về khoa học giáo dục và tính sư phạm mà còn bảo đảm các logic khoa học của các khoa học có liên quan, ví như môn toán thì phải bảo đảm logic toán học, môn tiếng Việt thì phải bảo đảm logic của ngôn ngữ học… Thứ ba là tính thực tiễn, xem nó có khả thi hay không. Tính thực tiễn còn phải bao hàm cả việc có đem lại lợi ích hay không. Lợi ích ở đây gồm cả chất lượng và hiệu quả, nếu một phương án có lợi nhưng tốn kém quá thì cũng phải cân nhắc.
Nhu cầu của trẻ là hạnh phúc đi học
- Ông đã nhiều lần phát biểu rằng giáo dục tiểu học là nền móng, nếu làm tốt bậc học này thì không chỉ tạo tiền đề cho các bậc học tiếp theo mà còn giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Nền móng ấy hiện nay có vẻ không được chắc chắn!
- Nhìn tổng thể, giáo dục tiểu học đang trong bước quá độ của quá trình đổi mới nên còn nhiều điểm lúng túng, bất cập về quản lý và trong quá trình thực thi một số giải pháp. Nền móng tiểu học trên phạm vi cả nước có nhiều điểm sáng nhưng cũng còn những điểm tối, những điểm trường dễ bị tổn thương do chưa hội đủ điều kiện cần thiết nên một số trẻ em bỏ học, học không chắc chắn. Việc đổi mới CT và SGK gặp khó khăn vừa triển khai, vừa giảm tải và điều chỉnh. Nhiều giải pháp tình thế được áp dụng, nhiều phong trào được triển khai khiến cho những giải pháp cơ bản, chính yếu của giáo dục như dạy tốt - học tốt, xây dựng trường chuẩn quốc gia bị xao nhãng. Trường tiểu học chịu quá nhiều tải vì cái gì cũng đưa vào trường học. Có những chuyện vừa giận, vừa thương như chuyện học sinh tiểu học phải "đọc" cả báo dành cho người cao tuổi là một ví dụ.
- Thực trạng cái gì cũng đưa vào nhà trường đã từng được đặt vè. Tôi nhớ có mấy câu: Đức, Trí, Thể, Mỹ; Giao (giao thông), Chế (pháp luật), Si (dân số - KHHGĐ), Ma (ma túy)… Nhưng sự quá tải còn do trường không ra trường, lớp không ra lớp, thầy không ra thầy nữa, ông có thấy thế không?
- Đúng là như vậy. Nhưng ở đây có một cái vòng luẩn quẩn. Ví dụ như về người thầy. Giáo viên bây giờ có trình độ cao hơn, giỏi hơn trước kia. Nhưng vì phải tham gia quá nhiều phong trào, rất nhiều việc họ phải làm để đối phó, lớp lại quá đông học sinh nên không có điều kiện đi sâu vào nghiệp vụ. Hoặc vì phải chạy theo thành tích tỷ lệ học sinh giỏi, số lượng học sinh đoạt giải trong các kỳ thi nên học sinh đã học 2 buổi/ngày vẫn phải đi học thêm, ngoài bài tập bình thường còn phải làm bài tập nâng cao… Những thứ ngoài mục tiêu giáo dục ấy đã khiến cho nhà trường quá tải, học sinh tiểu học không còn hạnh phúc đi học nữa.
- Hạnh phúc đi học, hình như câu này bắt nguồn từ Trường Thực nghiệm?
- Ngày xưa, nó bắt đầu từ Trường Thực nghiệm rồi lan ra các trường khác. Nhưng hạnh phúc đi học thực ra là một nhu cầu của trẻ mà bất kỳ một nền giáo dục văn minh hiện đại nào cũng phải đáp ứng được.
- Nhưng nghe có vẻ trừu tượng quá. Lấy gì để "đo" một đứa trẻ đã đạt được hạnh phúc đi học thưa ông?
- Hạnh phúc đi học của trẻ em ở lứa tuổi học sinh tiểu học được cụ thể hóa theo một số tiêu chí như: được đi học tại một trường chuẩn quốc gia, được hưởng giáo dục toàn diện, nội dung, phương pháp, tổ chức phù hợp lứa tuổi và tâm sinh lý lứa tuổi (học 2 buổi/ngày); có tiến bộ trong học tập, đạt trình độ kiến thức tối thiểu cũng như các kỹ năng, chuẩn mức quy định; được bộc lộ, nuôi dưỡng năng khiếu, sở trường; được vui chơi, được bảo vệ an toàn.
- Nếu theo tiêu chuẩn ấy thì bao nhiêu phần trăm học sinh tiểu học hiện nay hạnh phúc đi học? Tôi chắc là con số không lớn. Và việc phụ huynh xô đổ cổng trường hay tìm mọi cách để chạy vào trường có thương hiệu những mong con mình được học ở một nơi có thể đem lại hạnh phúc đi học đã chứng minh điều đó. Theo ông, giải pháp nào để mỗi mùa tuyển sinh sẽ không còn cảnh này nữa?
- Tôi cho đó là xây dựng trường chuẩn quốc gia. Trường chuẩn quốc gia chính là nơi bảo đảm cho trẻ em có hạnh phúc đi học bởi ở đó có đủ các điều kiện chuẩn về mục tiêu giáo dục, đội ngũ, cơ sở vật chất, quản lý… để học sinh được hưởng thụ giáo dục toàn diện trong điều kiện tối ưu, đầy đủ trong giai đoạn phát triển hiện tại của giáo dục. Việc này không khó, nó nằm trong tầm của dân tộc, của văn minh thời đại này.
- Theo ông cái khó nằm ở đâu?
- Chính là ở tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.