(HNM) - Trong phiên làm việc sáng 2-6, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng như tổng hợp các ý kiến về đồ án này.
Các đại biểu Quốc hội tham quan đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Nhật Nam |
Mở rộng đô thị trung tâm đến Vành đai 4
Báo cáo về quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trình bày trước Quốc hội cho biết, đô thị trung tâm hạt nhân của Hà Nội được giới hạn gồm phía Bắc sông Hồng (Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh) và từ phía Nam sông Hồng đến đường Vành đai 4. Đây là trung tâm chính trị, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của Hà Nội và cả nước. Trong đó, khu vực hữu ngạn sông Hồng đến Vành đai 3 là khu vực nội đô hiện hữu, sẽ kiểm soát gia tăng dân số, tập trung cải thiện hạ tầng, chỉnh trang kiến trúc, cảnh quan, bảo vệ môi trường. Khu vực mở rộng phía Nam sông Hồng là chuỗi đô thị phía Đông đường Vành đai 4 gồm Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thường Tín, với các khu đô thị mới, trung tâm thương mại, văn hóa, tài chính cấp vùng và quốc gia. Chuỗi đô thị này sẽ có dân số 1,2 triệu đến 1,3 triệu người, được ngăn cách với khu vực đô thị tiếp giáp từ đường Vành đai 3 trở vào nội đô bằng vùng đệm vành đai xanh sông Nhuệ. Chuỗi đô thị này góp phần thu hút rất lớn dân số dịch chuyển từ nội đô ra và tiếp nhận nhiều dự án từ hơn 750 đồ án, dự án đang được rà soát. Khu vực mở rộng phía Bắc sông Hồng là ý tưởng chủ đạo của TP hai bên sông, hình thành không gian xanh, mặt nước, văn hóa; trục động lực kinh tế Nhật Tân - Nội Bài gắn với trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, triển lãm...
5 đô thị vệ tinh và không gian xanh chủ đạo
Cùng với đô thị trung tâm, Thủ đô Hà Nội dự kiến có 5 đô thị vệ tinh, với dân số 1,3-1,4 triệu người, hỗ trợ, chia sẻ cho đô thị trung tâm, tạo việc làm cho dân tại chỗ và dân nhập cư. Đô thị vệ tinh này phát triển độc lập, kết nối với đô thị trung tâm bằng các tuyến giao thông công cộng tốc độ cao. Đô thị Hòa Lạc có động lực phát triển là khoa học, công nghệ, du lịch, nghỉ dưỡng, với trọng tâm là ĐH Quốc gia Hà Nội và Khu công nghệ cao Hòa Lạc, dân số dự kiến 60 vạn người. Đô thị này gắn kết với trung tâm bằng đường Láng - Hòa Lạc và trục Thăng Long.
Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi): Phải giữ tài nguyên cho đời sau Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi). Qua thảo luận, nhiều đại biểu nêu bức xúc vì công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản thời gian qua còn thiếu sót và nhiều bất cập. Các đại biểu "vạch lỗi": hệ thống cơ chế quản lý chưa hoàn thiện; việc phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản còn phân tán, chưa hợp lý như phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, công tác tổ chức lập, thực hiện quy hoạch khoáng sản... Những thiếu sót, bất cập đó dẫn đến việc hoạt động khoáng sản còn phức tạp. Đại biểu Vũ Hồng Anh (đoàn Hà Nội) đề xuất cần bổ sung quyền của người dân ở khu vực khai thác khoáng sản là được bồi thường thiệt hại về sức khỏe do ô nhiễm từ khai thác, chế biến khoáng sản. Đại biểu Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh thêm: Khai thác khoáng sản phải có lộ trình, quy hoạch, xác định rõ vùng cấm, vùng tạm khai thác và xác định cái gì để lại cho con cháu. Vì vậy, luật cần quy định chi tiết các loại tài nguyên khoáng sản được khai thác và mức độ cho phép khai thác... Thành Tâm |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.