(HNM) - Mùa mưa bão đến, bên cạnh nỗi lo úng ngập luôn thường trực đe dọa thì đây cũng là thời điểm xảy ra nhiều vụ việc vi phạm về bảo vệ an toàn hành lang sông Nhuệ. Nạn lấn chiếm, chiếm dụng đất trái pháp luật hai bờ sông, tự ý xây dựng nhà, xưởng bừa bãi, đổ trộm chất phế thải xây dựng xuống lòng sông tràn lan gây bức xúc dư luận.
Nhiều đoạn sông Nhuệ đang bị bồi lấp bởi rác thải và vật liệu xây dựng. |
Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ Trần Thị Tuyết Hạnh cho biết: Đến giữa tháng 6-2010, trên trục chính sông Nhuệ đã có 4.553 vụ vi phạm. Dẫn đầu là huyện Từ Liêm với 1.978 vụ, chiếm dụng 65.017m2 đất; tiếp đó là quận Hà Đông với 956 vụ, chiếm 27.570m2 đất; huyện Thanh Trì tập trung vào 2 xã Tả Thanh Oai và Hữu Hòa. Nghiêm trọng hơn khi gần đây tình trạng xây dựng trái phép chiếm cơ đê sông Nhuệ trên địa bàn xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì diễn ra rầm rộ, con số lên tới gần 400 vụ, chiếm hơn 7.100m2 đất. Nhiều xe chở đất, xe san ủi mặt bằng, có hộ huy động cả máy ép cọc bê tông thi công ngay trên cơ đê rất ngang nhiên.
Qua thống kê của Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ, các dạng vi phạm phổ biến là làm nhà cấp 3, cấp 4, dựng xưởng sản xuất, làm lều lán và trắng trợn hơn khi nhiều hộ xây nhà kiên cố vào hành lang sông Nhuệ. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh đã phát sinh nhiều dạng vi phạm rất khó lập biên bản. Có tới hàng nghìn vụ lén lút đổ phế thải xây dựng, đất và các loại rác thải xuống lòng sông gây tắc nghẽn dòng chảy, biến nhiều đoạn sông thành mương cạn. Số lượng các vụ vi phạm nhiều, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng làm cho hiệu quả tiêu thoát lũ vào mùa mưa bão rất chậm, đe dọa nguy cơ tràn đê có thể xảy ra ở những đoạn xung yếu.
Giám đốc Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ Nguyễn Quốc Hội giãi bày, vi phạm hành lang sông Nhuệ hết sức nhức nhối, việc xử lý, giải tỏa rất khó khăn và gặp nhiều vướng mắc. Công ty đã thành lập Tổ quản lý đê thường xuyên làm nhiệm vụ bảo vệ công trình nhưng không có chế tài xử phạt, chỉ lập biên bản, còn việc xử phạt thuộc trách nhiệm của chính quyền xã, huyện. Nhiều lần công ty đã hỗ trợ kinh phí và phối hợp với chính quyền để xử lý vi phạm nhưng tình trạng vẫn tái diễn, việc quản lý hành lang đê, sông rất nan giải. Khi Công ty Sông Nhuệ có công văn đôn đốc chính quyền các xã xử lý, cưỡng chế vi phạm thì địa phương thường lý do không có kinh phí tổ chức cưỡng chế. Mặt khác chế tài xử phạt vi phạm hành lang đê còn nhiều bất cập dẫn đến việc giải phóng mặt bằng cho nạo vét hoặc nâng cấp, chỉnh trang đê sông Nhuệ rất khó khăn. Ông Hội lo lắng, cứ đà này mùa mưa bão khả năng tiêu thoát nước thuộc hành lang sông Nhuệ sẽ hạn chế, đe dọa việc ngập úng có thể xảy ra. Hiện tại, công ty đang tiến hành nạo vét bùn đất từ K1 đến K30 nhưng rất khó thi công bởi diện tích mặt bằng làm bể lắng bùn đất đã bị dân chiếm hết không còn bãi đổ đất nên phải chuyển đi rất xa, kinh phí lớn.
Tiến sĩ Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội bức xúc thừa nhận: Lòng sông Nhuệ hiện nay rất nhỏ hẹp do dân lấn chiếm ồ ạt, nhiều đoạn sông chỉ như mương nước. Sở NN&PTNT đã báo cáo với UBND thành phố tình trạng cấp thiết phải khẩn cấp giải tỏa vi phạm trên hành lang sông Nhuệ. UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội lập đề án để "cứu" sông Nhuệ cùng với việc xử lý ô nhiễm môi trường trên toàn tuyến, siết chặt công tác quản lý sử dụng đất 2 bờ sông Nhuệ, xử lý các hành vi đổ phế thải, rác thải, lấn chiếm hành lang. Tuy nhiên, đây là việc rất khó đòi hỏi đầu tư nguồn vốn lớn và thực hiện giải tỏa vi phạm theo lộ trình. Mùa mưa bão đã đến và đặc biệt là kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hệ thống sông Nhuệ vẫn đứng trước thách thức lớn: liệu việc chống úng có hiệu quả khi tình trạng vi phạm vẫn diễn ra tràn lan?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.