(HNMO) - Sáng 1-4, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2022, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch tổ chức diễn đàn “Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới”.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhận định, giống như việc phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước sau đại dịch, việc phục hồi cơ sở vật chất kỹ thuật trong ngành du lịch, phục hồi các sản phẩm, dịch vụ du lịch và nguồn nhân lực đòi hỏi nỗ lực, thời gian cũng như sự đầu tư của toàn ngành.
Các đại biểu cũng cho rằng, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho du lịch nhưng để ngành Du lịch rút ngắn thời gian phục hồi, nhanh chóng vào giai đoạn phát triển thì cần có thêm nhiều giải pháp đồng bộ hơn.
Theo Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, các chính sách hỗ trợ du lịch mới chỉ “chạm” được đối tượng là người lao động, hướng dẫn viên, trong khi du lịch còn nhiều khâu cần hỗ trợ như việc giãn các khoản thuế và thuê đất. Bên cạnh đó, ông Đậu Anh Tuấn cũng đề xuất, cần có chính sách thị thực (visa) cởi mở hơn như nới thời gian lưu trú tại Việt Nam cho du khách dài ngày hơn.
Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam, cần có thêm chính sách hoàn thuế cho người nước ngoài xuất cảnh thuận lợi với du khách quốc tế.
Dịch Covid-19 cũng khiến cho xu hướng, thói quen du lịch thay đổi. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, xu hướng staycation (nghỉ gần nhà), theo nhóm nhỏ được ưa chuộng trong năm 2021 và sẽ tiếp tục phổ biến trong trong năm 2022. Trong đó, nhu cầu sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái tăng lên. Đặc biệt, nhu cầu về phục hồi sức khỏe và du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch chữa bệnh sẽ tăng lên trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Sự thay đổi xu hướng du lịch cũng là một trong những thách thức của ngành Du lịch trong việc tìm hướng thích ứng, thu hút du khách để phục hồi và phát triển. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng Cao Trí Dũng, các doanh nghiệp cần đi sâu vào nhóm nhu cầu chuyên biệt của khách, từ đó xây dựng các sản phẩm du lịch an toàn, du lịch y tế, du lịch MICE. Ngoài ra, ngành Du lịch Việt Nam cần tăng cường truyền thông hình ảnh quốc gia, giúp khách quốc tế dễ dàng tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam.
Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Flamingo Nguyễn Công Hoan cho rằng, các đơn vị không chỉ tính đến kế sách lâu dài mà cần giải quyết những vấn đề trước mắt như tập trung vào nhóm nghỉ dưỡng gia đình; có kế hoạch đón khách quốc tế ở thị trường gần trước.
Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng gợi ý, mỗi địa phương cần tìm sản phẩm độc đáo, riêng biệt để thu hút khách. Ngoài ra, để hấp dẫn khách quốc tế, du lịch Việt Nam cần tổ chức các đoàn famtrip, presstrip (khảo sát du lịch) dành cho các đơn vị lữ hành, báo chí nước ngoài để có sự quảng bá, truyền thông hiệu quả hơn.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, tới đây, các doanh nghiệp du lịch sẽ tăng cường xây dựng sản phẩm mới, khôi phục nguồn nhân lực, tập trung chuyển đổi số để nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt”.
Tại diễn đàn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức ra mắt Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Quỹ nhằm giải quyết một phần hạn chế về nguồn lực cho xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch.
Trước đó, ngày 31-3, Đại hội đại biểu toàn quốc Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) lần thứ V, nhiệm kỳ 2022-2027, đã diễn ra thành công. Ông Vũ Thế Bình được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.