(HNM) - Thực hiện Chỉ thị 09-CT/TU ngày 1-9-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP Hà Nội”, thời gian qua cả hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc chủ động, nói đi đôi với làm, hành động đi đôi với hiệu quả công việc.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông. |
Nhiều vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp được hóa giải. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông quanh vấn đề này.
Khi nghị quyết đi vào cuộc sống
- Thưa ông, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa trên địa bàn thành phố được tiến hành như thế nào?
- Với sự vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân, toàn thành phố đã thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa với diện tích hơn 76.550ha, đạt 100% kế hoạch đề ra. Thông qua công tác này, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đều được quy hoạch lại và hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương tưới tiêu được điều chỉnh phù hợp với điều kiện từng địa phương. Nhờ đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp dôi dư do phá vỡ bờ vùng, bờ thửa và thu hồi diện tích trước đây giao không đúng quy định được hơn 1.600ha đưa vào quỹ đất công của xã phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Song do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa vẫn chưa hoàn toàn được như mong muốn.
- Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu thành phố và hướng dẫn các địa phương những gì để hóa giải khối lượng công việc lớn, cũng như tình trạng người dân chưa thông hiểu thủ tục, thưa ông?
- Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 17-5-2016 về “Các nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội” và ban hành Công văn số 4433/UBND-ĐT ngày 28-7-2016 về “Chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa”. Cũng trong năm 2016, ngoài thành lập 6 tổ công tác chỉ đạo điều hành và thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền, đổi thửa.
Cùng với đó, Sở đã cải cách triệt để thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 30 ngày xuống còn 14 ngày; lập thư điện tử và đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về lĩnh vực này.
Đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân với số lượng 611.210 giấy chứng nhận, đạt 98%. So với thời điểm trước khi có Chỉ thị 09-CT/TU, toàn thành phố mới đạt 31%.
Lấy sự hài lòng của người dân là thước đo
- Đất đai luôn là vấn đề nhạy cảm, ngành Tài nguyên và Môi trường đã có những cố gắng gì trong cải tiến lề lối làm việc, nâng cao ý thức phục vụ nhân dân, thưa ông?
- Trước đây, ở một vài nơi vẫn còn một số thiếu sót trong giải quyết thủ tục hành chính, có trường hợp giải quyết chậm trễ, kéo dài..., khiến người dân phàn nàn. Để kịp thời khắc phục hạn chế, nhằm tạo chuyển biến rõ nét về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngành Tài nguyên và Môi trường siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, loại bỏ hành vi sách nhiễu; thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy định về nghĩa vụ, quy chế văn hóa công sở và phương châm “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”. Cán bộ công chức, viên chức ngành Tài nguyên và Môi trường xác định rõ, lấy sự hài lòng của nhân dân là thước đo hiệu quả trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Như ông nói, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp?
- Đúng vậy, các địa phương xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả. Ví như huyện Thanh Trì phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách cụm, huyện ủy viên phụ trách xã chỉ đạo, đôn đốc công tác cấp giấy chứng nhận... Kết quả, cuối tháng 10-2016, huyện Thanh Trì đã cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận cho 8.288 hộ gia đình, đạt 100% kế hoạch. Tương tự, Ban Thường vụ Huyện ủy Quốc Oai đã thành lập Ban Chỉ đạo Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa do đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Quốc Oai đã hoàn thành 100% số hộ đề nghị cấp giấy chứng nhận đất nông nghiệp...
- Vậy còn 2% chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, nguyên nhân vướng mắc do đâu, thưa ông?
- Một số hộ gia đình có thành viên được giao ruộng theo Nghị định 64/CP ngày 27-9-1993 của Chính phủ về “Ban hành bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp” đã mất từ những năm trước đây, không để lại di chúc, nhưng người có quyền thừa kế hiện không có tại địa phương để làm thủ tục khai nhận thừa kế. Một số hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp nhưng không sinh sống tại địa phương, cho mượn ruộng nên chưa thực hiện kê khai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, còn một số hộ gia đình, cá nhân chưa thống nhất được đại diện đứng tên kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận hoặc tranh chấp, khiếu kiện, chuyển nhượng không có giấy tờ.
Thuận lợi cho công tác quản lý
- Để bảo đảm tính thống nhất trong quản lý đất đai, ông có khuyến nghị gì đối với hộ gia đình, cá nhân chưa đăng ký đất đai và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp?
- Ở hầu hết các địa phương, chính quyền cấp xã chủ động tổ chức cho người sử dụng đất kê khai đăng ký đất đai mà không thụ động chờ người sử dụng đất đến làm thủ tục đăng ký. Cơ quan chuyên môn đã thay đổi tư duy từ ngồi chờ người dân tới xin đăng ký đến việc chủ động thông báo, tổ chức cấp giấy chứng nhận cho người dân. Theo phản ánh từ các địa phương, số lượng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân còn lại không nhiều, nhưng khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, khó cũng phải làm để bảo đảm tính thống nhất trong công tác quản lý đất đai.
- Việc thành phố hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác quản lý đất đai như thế nào, thưa ông?
- Đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý xác nhận và bảo hộ quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất như chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Nhà nước bảo vệ các quyền lợi cho người sử dụng đất để họ yên tâm đầu tư, cải tạo đất phát triển sản xuất.
Cấp giấy chứng nhận có ý nghĩa quyết định đối với việc giải quyết những vấn đề tồn tại trong lịch sử, góp phần thúc đẩy và tạo thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất; đồng thời tiến hành xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính. Đây là tài liệu cơ sở pháp lý quan trọng để phục vụ cho việc theo dõi, quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động liên quan tới đất đai, là cơ sở để xây dựng hệ thống thông tin đất đai.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.