Chuyện: Một cuộc điều tra về hàng Việt Nam chất lượng cao, bao gồm cả người tiêu dùng nước ngoài đang sống và làm việc ở Việt Nam trên sáu tháng, vừa kết thúc. Khi được hỏi, nhiều người đã đề cập ngay đến hương vị cà phê Việt Nam và cho biết nghiện cà phê Việt Nam đến mức mua sản phẩm của Trung Nguyên mang về nước, uống hằng ngày. Thậm chí, không ít người "trót" ngưỡng mộ cà phê Braxin, Italia nhưng "khi thưởng thức cà phê Việt Nam mới nhận ra đây mới là cà phê dành cho mình".
Trong giỏ hàng nội địa, người tiêu dùng nước ngoài cũng đánh giá cao đồ tre, gỗ trang trí trong nhà vì bền, đẹp, hợp sở thích lại rất Việt Nam; hoặc trong ngành hàng gốm sứ, sản phẩm của Minh Long cũng được đánh giá cao với nhận xét... "không ngờ chất lượng hàng Việt tốt vậy". Riêng các sản phẩm may mặc, dù chưa thực sự hài lòng về mẫu mã, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra hài lòng với các thương hiệu An Phước, Việt Tiến, Nhà Bè, May 10...
Lựa chọn các sản phẩm Made in Vietnam là ưu tiên hàng đầu của đa số người tiêu dùng hiện nay. Ảnh: Đàm Duy
Năm mặt hàng được người nước ngoài chọn mua và đánh giá chất lượng cao nhất là sữa tươi Vinamilk, cà phê Trung Nguyên, bút bi Thiên Long, bánh ngọt Kinh Đô, áo sơ mi Việt Tiến. Một nhóm không nhỏ tiếc rẻ khi nhiều sản phẩm Việt Nam rất được ưa chuộng nhưng không biết bán ở đâu. Nhìn chung, người nước ngoài đều nhận xét chất lượng và độ an toàn của hàng Việt cao hơn hàng Trung Quốc.
Hàng Việt Nam được chấm 3,7 điểm, theo thang điểm được cho từ 1 là bình thường đến 5 là rất tốt. Đây là mức không tồi.
Câu hỏi đặt ra: Kết quả nêu trên là một tín hiệu tốt cho thấy hàng Việt, với thương hiệu Việt, nguồn gốc xuất xứ Việt (chứ không phải chỉ là hàng gia công sang một nước khác để "đóng" nhãn mác), hoàn toàn có khả năng tìm được chỗ đứng trên thị trường, cả với người tiêu dùng nội địa cũng như người nước ngoài. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề cần giải quyết...
Thứ nhất, kết quả khảo sát thấy mặt hàng được ưa chuộng không có gì "ghê gớm". Vậy thì tại sao không từ kết quả khảo sát này, các doanh nghiệp lại không phát triển những mặt hàng đó thành những thương hiệu mang lại giá trị? Trong khi người Hàn Quốc có kim chi, người Nhật có món sushie, người Italia có món mì spaghétti trứ danh, chẳng có lý do gì ta lại không thể có những "đại sứ văn hóa" khác, sau phở, như cà phê, gốm sứ?...
Thứ hai, hàng nội có tiếp tục giữ được vị thế trong lựa chọn của người tiêu dùng hay không đòi hỏi doanh nghiệp phải có nhiều thay đổi về mô hình phát triển. Thách thức trong những năm tới với các doanh nghiệp không chỉ là tăng hàm lượng giá trị gia tăng, tăng năng suất mà trước hết ở khả năng thuyết phục người tiêu dùng thông qua định hình lối sống, tiêu dùng. Yếu kém này sẽ được doanh nghiệp thay đổi trong một sớm một chiều?
Hàng Việt sẽ lên ngôi? Câu trả lời không phụ thuộc vào những gì (hàng hóa) chúng ta có mà là cách chúng ta làm sản phẩm, xây dựng thương hiệu...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.