(HNM) - Hợp tác giữa cơ quan chức năng với hai sàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới là Lazada, Amazon đã và sẽ mang lại cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong quảng bá, mở rộng thị trường.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Sàn thương mại điện tử Lazada đã triển khai chương trình đầu tiên trong khuôn khổ dự án “Làng nghề đặc sản online” tại Việt Nam với mong muốn tạo điều kiện cho các hộ gia đình, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các vùng nông thôn trên toàn quốc tiếp cận mô hình thương mại điện tử, đưa hàng hóa chất lượng cao không chỉ đến với người tiêu dùng trong nước, mà cả thị trường thế giới.
Dừa Bến Tre và các sản phẩm từ dừa được Lazada đưa lên sàn thương mại điện tử. |
“Ngày của Làng dừa Bến Tre” được khởi động từ 00h00 và kết thúc lúc 23h59 ngày 20-5 trên sàn Lazada với nhiều ưu đãi đặc biệt dành cho khách hàng như giảm giá đến 50%, mua 1 tặng 1 và hàng loạt phiếu ưu đãi giảm giá 12% cho các sản phẩm làm từ dừa. Lazada cũng dành tặng 50.000 đồng phí vận chuyển cho các đơn hàng trên 99.000 đồng khi đặt mua sản phẩm của Làng dừa Bến Tre trong ngày này trên toàn quốc…
Các nhóm sản phẩm được giới thiệu trong “Ngày của Làng dừa Bến Tre” trên Lazada gồm: Thực phẩm từ dừa (kẹo dừa, nước dừa đóng hộp, thạch dừa…), mỹ phẩm từ dừa (dầu dừa, son dưỡng, dầu gội, xịt chống muỗi…), thủ công mỹ nghệ (bộ muỗng, đũa; bộ ấm trà…).
Tham gia chương trình, bà Nguyễn Thị Kim Truyền - chủ cơ sở sản xuất dầu dừa và nước màu dừa Thiên Ân chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên cơ sở tôi bán hàng trực tuyến. Đội ngũ nhân viên của Lazada đã hướng dẫn và hỗ trợ từ các khâu thủ tục, thanh toán, giao nhận… để sản phẩm của tôi được chính thức có mặt trên trang".
Ông Max Zhang - Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam cho biết: Sau "Ngày của Làng dừa Bến Tre”, dự án “Làng nghề đặc sản online” sẽ lần lượt triển khai tại nhiều địa phương có các đặc sản truyền thống nổi tiếng khác trên khắp cả nước. Các cơ sở sản xuất và kinh doanh khi tham gia dự án này sẽ được Lazada hỗ trợ miễn phí mở gian hàng và các chương trình đào tạo bán hàng online, các hỗ trợ về thiết kế, hình ảnh gian hàng, dán nhãn đặc sản nếu đã có đăng ký chỉ dẫn địa lý… Việc xuất khẩu hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử quốc tế cũng được Lazada Việt Nam hỗ trợ về mặt thông tin và thủ tục cần thiết.
Theo ông Lê Đức Anh, Trưởng phòng Phát triển dịch vụ trực tiếp của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), việc các doanh nghiệp thương mại điện tử hiện nay chú trọng chất lượng sản phẩm, đồng thời đa dạng hóa mặt hàng đã thu hút sự tham gia của các thương hiệu lớn. Đây là những “điểm sáng” để kích cầu tiêu dùng, đồng thời củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với các kênh mua sắm trực tuyến.
Để nắm bắt cơ hội...
Có thể thấy, hệ sinh thái thương mại điện tử đang phát triển là nhờ vào sự cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp, mang đến nhiều chương trình khuyến mãi uy tín, khắc phục tình trạng “khuyến mãi ảo”.
Ở góc độ khác, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận các chương trình bán hàng chất lượng với mức giá ưu đãi. Chị Nguyễn Thu Hoài, nhân viên kế toán - Khách sạn Hilton (quận Hoàn Kiếm) vui vẻ chia sẻ: Những chương trình đưa đặc sản của các vùng, miền lên sàn thương mại điện tử như thế này thực sự rất thú vị. Chỉ cần click chuột, hoặc gọi điện lên tổng đài, mình đã chọn mua được khá nhiều sản phẩm chất lượng như nước dừa đóng hộp, son dưỡng và tinh dầu dừa với giá ưu đãi...
Để có được điều này, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Amazon Global Selling đã thống nhất thực hiện kế hoạch phối hợp trong giai đoạn từ nay đến 2021 với các nội dung chính như: Chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam về thương mại điện tử; chương trình phát triển thương hiệu trên thương mại điện tử với Amazon; chương trình xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử.
Trong đó, chương trình xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử đã lựa chọn 100 doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm tiềm năng để đào tạo kỹ năng, hỗ trợ tư vấn trực tiếp và kết nối với mạng lưới dịch vụ hỗ trợ đã được thiết kế riêng cho chương trình để đưa sản phẩm xuất khẩu lên hệ thống thương mại điện tử Amazon tại Hoa Kỳ trong tháng 6-2019.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, để chuẩn bị và tham gia tốt kênh bán hàng trực tuyến Amazon, Lazada, chính các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị và đầu tư kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, việc gia nhập nền tảng thương mại điện tử B2B (từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp) còn giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với khách hàng, từ đó mở rộng được cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu, giảm chi phí liên quan đến việc xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm, thiết lập văn phòng tại các thị trường mục tiêu. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang sở hữu các sản phẩm tốt tham gia lớp đào tạo kỹ năng, kiến thức xuất khẩu qua thương mại điện tử cũng như tư vấn các giải pháp logistics, thủ tục xuất - nhập khẩu, giải pháp tài chính… nhằm khắc phục những điểm yếu hiện tại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.