(HNM) - Thị trường công nghệ trong nước mấy ngày gần đây lại
Người tiêu dùng được hưởng lợi khi thị trường công nghệ trong nước ra mắt nhiều sản phẩm chất lượng tốt với giá thành rẻ. Ảnh: Minh Nguyễn
Cuối tháng 3 năm nay, một công ty có cái tên PI Việt Nam đã công bố bán sản phẩm tablet giá rẻ nhất thị trường với 1,8 triệu đồng, màn hình 7 inchs, có cổng kết nối, có hỗ trợ wifi, nhưng không hỗ trợ 3G, chạy hệ điều hành Android phiên bản mới nhất 4.0… Ngay lập tức, dư luận trong nước, nhất là dân công nghệ gọi là sản phẩm có mức giá "siêu rẻ" và sở dĩ như vậy vì trên thị trường cũng có không ít sản phẩm máy tính bảng có xuất xứ từ Trung Quốc dao động ở mức 2,2-2,5 triệu đồng/chiếc (màn hình 5 inchs), dưới 4 triệu (màn hình 7 inchs). Với mức giá rẻ nhất này, nhiều người có thu nhập bình dân cũng có thể sở hữu chiếc máy tính bảng với nhiều tính năng giải trí hấp dẫn. Tiếp đó, đầu tháng 4, công ty trên lại ra mắt tablet với giá cũng gây sốc không kém, giá 3,39 triệu đồng cũng là mẫu máy có kết nối 3G rẻ nhất thị trường. Nếu so sánh với tablet thương hiệu Việt của FPT đã ra đời vào tháng 10-2011 với màn hình 7 inchs giá 4,99 triệu đồng, thì sản phẩm trên lại rẻ hơn tới 1,5 triệu đồng. Như vậy, với các mức giá đa dạng nhiều người dân, trong đó có không ít học sinh, sinh viên có thể mua được các sản phẩm máy tính bảng thương hiệu Việt.
Cho đến nay, so với lĩnh vực sản xuất điện thoại di động có sự góp mặt đầy đủ các "anh tài" viễn thông, công nghệ thông tin tham gia, máy tính bảng lại có rất ít DN trong nước sản xuất. Hiện, trên thị trường, bên cạnh các dòng tablet cao cấp (loại rẻ nhất 12,5 triệu đồng), còn tồn tại nhiều loại máy tính bảng giá rẻ có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc, đây cũng là sản phẩm giá rẻ đang cạnh tranh với tablet thương hiệu Việt. Tuy nhiên, cũng giống như câu chuyện chiếc điện thoại di động, các thương hiệu "made in China" khó có thể cạnh tranh với thương hiệu Việt. Đơn giản, chỉ vì những sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc thiếu hệ thống bảo hành chuyên nghiệp và rộng khắp cả nước. Bên cạnh đó, nhiều DN trong nước cũng đẩy mạnh việc xây dựng kho phần mềm tiếng Việt với nhiều tiện ích để phục vụ khách hàng…
Trở lại câu chuyện các sản phẩm điện thoại, máy tính bảng thương hiệu Việt. Cho dù "chúng" được khoác trên mình cụm từ "thương hiệu Việt" nhưng thực tế đều được sản xuất tại Trung Quốc theo hình thức các DN trong nước đặt hàng đưa ra mẫu thiết kế để đối tác sản xuất từ A đến Z. Vấn đề này cũng là bình thường trong một môi trường sản xuất toàn cầu và cũng nhờ vậy đã đem lại không ít thành công cho không ít DN trong nước. Chẳng hạn, giai đoạn 2006-2007, trong khi giá một chiếc điện thoại Nokia hạng "bèo bọt" nhất chừng một triệu đồng/chiếc (chức năng chính là nghe, gọi), nếu có chức năng chụp ảnh chừng 4 triệu đồng/chiếc, thì điện thoại Trung Quốc loại một triệu đồng đã có đầy đủ tính năng. Sau đó, một số DN trong nước, phải kể đến Q-mobile, FPT đã tiên phong sản xuất điện thoại thương hiệu Việt và ít lâu sau các thương hiệu này đã "làm mưa làm gió" tại thị trường trong nước. Với ưu thế giá rẻ và chức năng hai sim hai sóng, chỉ từ 400.000 đồng/ chiếc trở lên, trong khi dòng điện thoại thông minh giá cũng chỉ trên dưới 2 triệu đồng, được người tiêu dùng lựa chọn, đến nỗi có giai đoạn điện thoại di động thương hiệu Việt chiếm tới gần 40 thị phần trong nước. Nhưng, đến khi các thương hiệu nổi tiếng Nokia, Samsung, LG thay đổi quan điểm sản xuất họ cũng ra mắt các sản phẩm hai sim hai sóng, thì cũng là lúc các DN trong nước bị đuối sức, khó cạnh tranh. Có thông tin nhận định, năm 2012 không ít DN sẽ phải đóng cửa, thậm chí một số hệ thống siêu thị bán lẻ điện thoại cũng phải thu hẹp… Tuổi thọ của điện thoại di động thương hiệu Việt như vậy, liệu vòng đời của tablet "made in Việt Nam" có khá hơn không? Hay câu trả lời cũng sẽ tương tự như câu chuyện về chiếc điện thoại thương hiệu Việt? Được biết, có thông tin nhà sản xuất apple vốn đang bảo thủ quan điểm chỉ chú trọng những sản phẩm tablet cao cấp, cấu hình mạnh, chứ chưa để ý sản xuất dòng tablet mini có giá bình dân hơn. Nhưng nếu họ thay đổi thì sao? Khi đó, có lẽ chúng ta sẽ phải cảm ơn các thương hiệu trong nước, vì chính họ đã khiến cho những nhà sản xuất toàn cầu phải thay đổi quan điểm sản xuất, đưa ra những sản phẩm bình dân hơn, phù hợp với túi tiền của nhiều người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.