(HNM)- Tuy giá các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết như bánh, kẹo… tăng 15-18% so với năm ngoái, nhưng theo nhận định của các nhà sản xuất và phân phối, sự chuyển biến trong nhận thức từ cuộc vận động
Dây chuyền sản xuất tại Công ty CP Bánh kẹo Tràng An. Ảnh: Linh Tâm
Về thị trường Tết, ông Nguyễn Xuân Luân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kinh Đô cho biết, ngày càng có nhiều bánh kẹo trong nước chiếm được cảm tình của NTD bởi trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm mới đa dạng về mẫu mã, chất lượng. Sản phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm không còn chỗ đứng. Lạc quan về thị trường tăng trưởng mạnh vào dịp Tết, Kinh Đô đã chuẩn bị gần 35 triệu hộp sản phẩm bánh, kẹo các loại, tăng 15% so với Tết năm 2010, dòng sản phẩm cao cấp tăng 40%. Công ty CP Bánh kẹo cao cấp Hữu Nghị đã chuẩn bị khoảng 7.500 tấn bánh kẹo, 1.100 tấn mứt, tăng 20%...
Các đơn vị cung ứng hàng Tết đã chuẩn bị đầy đủ lượng hàng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Siêu thị BigC chuẩn bị 130 tấn bánh, mứt, kẹo, trong đó 90% bánh kẹo đóng hộp do doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất. Đây là những nhóm hàng được siêu thị đặt từ những nhà sản xuất có uy tín, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chất lượng, nhất là chủng loại hàng thực phẩm như bánh kẹo, sữa… Sài Gòn CoopMart chuẩn bị tới 150.000 tấn hàng nhu yếu phẩm, tăng gần 40%, trong đó có khoảng 400 tấn bánh kẹo, 200 tấn mứt... Hàng trong nước sản xuất chiếm tới 90% các mặt hàng kinh doanh trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão của chuỗi siêu thị này.
Theo đại diện một số DN, do giá hầu hết các nguyên liệu đầu vào đều tăng cao, như đường tăng gấp đôi, sữa tăng 30-35%, bột mì, dầu ăn và bao bì nhựa đều tăng hơn 10%; lãi suất vay ngân hàng cũng tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tăng giá sản phẩm, với mức tăng 15-18%. Tuy nhiên, những DN có thương hiệu, nguồn lực đều sớm dự báo được diễn biến giá nên có chính sách giữ giá khá tốt. Đại diện Siêu thị Sài Gòn CoopMart Hà Đông cho biết, các nhà sản xuất đề nghị tăng giá nhiều mặt hàng từ vài tháng nay, với mức tăng 5-10%, nhưng siêu thị sẽ đàm phán để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân theo mức giá hợp lý. Giúp NTD thuận tiện trong việc lựa chọn hàng, các nhà sản xuất trong nước đều chú trọng đẩy mạnh phát triển, khai thác kênh phân phối mới tại các tỉnh, thành phố. Chị Thu Minh, chuyên kinh doanh mặt hàng bánh, kẹo, nước giải khát tại phố Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, nhập hàng ngoại nếu bị hỏng, lỗi thì người bán phải chịu, nên năm nay chị nhập phần lớn hàng của DN trong nước, mẫu mã đẹp, giá hợp lý. Nhà sản xuất còn có chế độ chăm sóc đại lý chu đáo như tăng chiết khấu, giao hàng ngay...
Bên cạnh những sản phẩm trong nước, thị trường bánh kẹo năm nay còn có thêm các dòng bánh nhập ngoại. Dòng bánh hộp thiếc chủ yếu vẫn nhập từ Thái Lan, Malaysia với những thương hiệu như Kerr, Dbent, Danson… Giá bánh hộp nhập ngoại tăng 20-25% so với năm ngoái, trong khi những thương hiệu nội chỉ tăng 10-15%, nên hàng nội được NTD lựa chọn nhiều hơn.
Giá đồ uống có xu hướng tăng nhẹ. So với trong năm, bia Hà Nội từ 230.000 đ/thùng tăng lên khoảng 240.000 đ/thùng; bia Halida từ 195.000 đ/thùng tăng lên 200.000 đ/thùng… Chủ một cửa hàng đồ uống tại phố Lò Đúc cho biết, do thời tiết lạnh nên sức mua từ đầu tháng 12 đến nay giảm một nửa so với năm ngoái. Tết Dương lịch và Âm lịch lại gần nhau nên lượng bia lon làm quà tặng giảm, vì thế cửa hàng không tích trữ nhiều. Nước ngọt là mặt hàng tăng ít nhất, trong đó Coca Cola chai loại 1,8 lít tăng từ 14.000đ lên 17.000 đ/chai; lon nước ngọt các loại có giá 7.500-8.000 đ/lon...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.