Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng ngoại "đội lốt" hàng Việt - nguy hại khôn lường!

Thanh Hiền| 24/02/2019 07:04

(HNM) - Gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng, gây nguy hại khôn lường bởi nó khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào hàng Việt...

Hàng Trung Quốc gắn mác “Made in Vietnam” bày bán tại một chợ ở quận 5 (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Ngọc Hiển


Gia tăng giả mạo xuất xứ hàng Việt

Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ nhiều vụ vận chuyển hàng lậu từ Trung Quốc sang Việt Nam có gắn mác "Made in Vietnam". Các mặt hàng bị bắt giữ đa chủng loại từ quần áo, giày dép, túi xách, linh kiện điện tử, vải da, đến thiết bị xây dựng…

Nhận định về thực trạng này, ông Chu Xuân Kiên, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố về Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho biết, nắm bắt tâm lý người tiêu dùng quay lưng với hàng Trung Quốc kém chất lượng, nhiều sản phẩm đã được “phù phép” mang nhãn mác “Made in Vietnam”. Những lô hàng giả xuất xứ Việt Nam không dừng lại ở việc các đầu nậu, chủ kinh doanh tự ý chuyển đổi xuất xứ, mà còn được sản xuất, in ấn, đóng gói trực tiếp từ Trung Quốc, sau đó tuồn sang Việt Nam tiêu thụ.

Mới đây lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 4 xe tải vận chuyển một lô hàng lớn từ biên giới phía Bắc vào Việt Nam tiêu thụ. Hàng hóa trên xe ước tính khoảng 100 tấn gồm quần áo, phụ tùng xe máy, xe đạp điện, hàng điện gia dụng… Toàn bộ hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc nhưng nhiều sản phẩm gắn mác sản xuất tại Việt Nam. Thậm chí các sản phẩm gia dụng còn ghi rõ sản xuất tại quận Hà Đông (Hà Nội) với hạn bảo hành 1 năm, có chứng nhận hợp quy chuẩn, hàng Việt Nam chất lượng cao. Chị Nguyễn Thu Cúc (trú tại số 23 phố Trần Xuân Soạn, quận Hai Bà Trưng) lo ngại: “Hàng giả mạo xuất xứ bây giờ được làm không khác hàng chính hãng, khiến người tiêu dùng rất khó có thể phân biệt được nguồn gốc và giá trị”.

Một thực tế đáng lo ngại khác là đã xuất hiện tình trạng hàng Trung Quốc làm giả xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế. Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), mới đây Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành quyết định về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với xe đạp điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào Liên minh châu Âu. Đáng chú ý, EC thống kê được lượng xe đạp điện từ Việt Nam xuất sang EU bất ngờ tăng mạnh sau khi xe đạp điện Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá. Hệ lụy của sự trùng lặp này có thể dẫn đến nguy cơ EC tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, gây ảnh hưởng liên đới tới các doanh nghiệp chân chính.

Cần "hàng rào" pháp lý đủ mạnh

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, hàng lậu Trung Quốc vào Việt Nam đã nguy hại nhưng hàng được sản xuất tại Trung Quốc gắn mác “Made in Vietnam” nhập về Việt Nam để tiêu thụ, hoặc xuất đi nước thứ 3 còn gây tác hại khôn lường đối với thương hiệu Việt. Trong các điều khoản cam kết của các nước tham gia Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương, điều khoản về truy xuất nguồn gốc sản phẩm được đặt lên hàng đầu để nhận được ưu đãi. Nếu phát hiện hàng hóa đó không được sản xuất tại Việt Nam, hoặc nguyên liệu “đầu vào” không được nhập từ nước thứ 3 (cho phép), thì các nước đối tác có quyền đặt các hàng rào kỹ thuật hoặc cấm nhập. Nếu một doanh nghiệp mắc phải trường hợp này, thì thiệt hại về uy tín cho thương hiệu Việt sẽ là rất lớn nếu không nói là sẽ bị tẩy chay vì gian lận.

Theo Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải, nhiều nước trên thế giới đã có quy định về việc ghi nhãn hàng hóa sản xuất trong nước theo hướng cho phép áp dụng việc ghi nhãn trên cơ sở tự nguyện đối với hàng sản xuất và tiêu thụ trong nước. Đối với mặt hàng cần bảo hộ hoặc đã xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc tế, các nước quy định tiêu chí cho một số sản phẩm cụ thể.

Ví dụ, quy định của Thụy Sĩ đối với đồng hồ, quy định của Hoa Kỳ đối với ô tô, hàng dệt may và len, quy định của New Zealand đối với rượu vang... Các nước đưa ra quy định cụ thể về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa theo tiêu chí được quy định chung như: “Made in…, Produced in…”; hoặc chi tiết đến từng công đoạn sản xuất, gia công hoặc chứa giá trị gia tăng cụ thể.

Về chế tài xử phạt, một số nước có chế tài xử phạt rất nặng đối với cá nhân, tổ chức cố tình ghi sai nhãn xuất xứ hàng hóa. Ví dụ, theo quy định của Italia, tổ chức, cá nhân gắn nhãn “Made in Italy” vào sản phẩm đồ da không đáp ứng tiêu chí “Made in Italy” có thể phải nộp phạt tới 100.000 euro…

Ngoài ra, để từng bước đẩy lùi hàng giả, hàng nhái tạo môi trường lành mạnh cho hàng Việt phát triển, ông Chu Xuân Kiên cho rằng, các bộ, ngành chức năng cần hoàn thiện cơ chế phối hợp; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thị trường, đặc biệt lưu ý việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho hàng hóa xuất khẩu, tránh tình trạng làm giả xuất xứ Việt Nam; cần "hàng rào" pháp lý đủ mạnh làm cơ sở cho lực lượng chức năng thực hiện tốt việc kiểm soát thị trường. Về phía các doanh nghiệp, phải có biện pháp tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch các thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng, sản phẩm, kênh phân phối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng ngoại "đội lốt" hàng Việt - nguy hại khôn lường!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.