Kỳ 2: Sự thật về những
Vinảipo "bề thế" đang lâm vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng
Theo dự án đầu tư xây dựng xí nghiệp May xuất khẩu, công ty Anh Khoa thuê đất tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc huyện Bình Chánh, TP HCM để xây dựng nhà xưởng, nhập dây chuyền công nghệ để hoạt động may xuất khẩu ...
Nâng khống giá trị tài sản thế chấp
Quỹ Hỗ trợ phát triển tỉnh Đồng Nai đã duyệt cho vay 18,3 tỷ đồng. Tài sản thế chấp gồm có: quyền sử dụng đất đi thuê tại KCN Vĩnh Lộc, căn nhà số 192/5/2 Nguyễn Thái Bình, P. 12, Q. Tân Bình và nhà xưởng hình thành từ vốn vay. Ngày 21/6/2004 công ty Anh Khoa tiến hành thế chấp cho Quỹ Hỗ trợ phát triển Đồng Nai khu nhà xưởng may theo giá dự toán được “nâng khống” lên đến 15,1 tỷ đồng (?). Trong khi thực tế tổng giá trị xây dựng công trình chỉ là 12,44 tỷ đồng. Và công ty Anh Khoa chỉ mới thanh toán 11,5 tỷ đồng cho đơn vi thi công là Vinaconex, còn nợ 940 triệu đồng. Như vậy, công ty Anh Khoa đã “lập lờ” nâng khống giá trị thế chấp khu nhà xưởng này gần 4 tỷ đồng để rút khoản vay 18,3 tỷ đồng từ Quỹ HTPT Đồng Nai.
Việc nâng khống này không ngoài mục đích “che chắn” giá trị thật của những tài sản thế chấp. Bởi lẽ vào thời điểm đó, 2 tài sản thế chấp còn lại (là quyền sử dụng đất thuê ở KCN Vĩnh Lộc và căn nhà 192/5/2 Nguyễn Thái Bình, P.12, Q. Tân Bình) được định giá trong hợp đồng tín dụng khoảng 3,6 tỷ đồng. Như thế tổng giá trị tài sản thế chấp (chỉ hơn 15 tỷ đồng) ít hơn số tiền được duyệt vay, trái với những quy định tín dụng, thế chấp, cho vay! Điều bất thường tiếp theo là đến ngày 4/8/2004, Quỹ Hỗ trợ phát triển Đồng Nai đột ngột định giá lại căn nhà Nguyễn Thái Bình và điều chỉnh giá trị thế chấp tăng vọt lên 2,45 tỷ đồng.
Dự án sản xuất “ma”
Lợi dụng danh nghĩa dự án đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu nên công ty Anh Khoa mới được duyệt cho vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển chi nhánh Đồng Nai với lãi suất thấp (7%/năm), thời gian trả nợ kéo dài 103 tháng. Nhưng sau khi xây dựng xong nhà xưởng công ty Anh Khoa không hề tổ chức sản xuất theo dự án ban đầu. Từ năm 2002 công ty Anh Khoa đã cho 2 công ty SUKHO (nay đổi tên là BUMJIM VINA) và MOLAX Trading LTD thuê lại toàn bộ nhà xưởng với thời hạn 10 năm, giá 6.000 USD/ tháng và đã nhận tiền ứng trước 280.000 USD. Thực tế, từ khi thuê đất ở KCN Vĩnh Lộc đến nay, công ty Anh Khoa không tiến hành sản xuất gì. Thậm chí còn nợ cả tiền thuê đất của KCN Vĩnh Lộc.
Điều khó hiểu tiếp theo là mặc dù hợp đồng thế chấp khu nhà xưởng tại KCN Vĩnh Lộc cho Quỹ HTPT tỉnh Đồng Nai vào năm 2004 quy định rõ, trong thời gian thế chấp không được phép cho thuê, mượn … khi chưa có biện pháp bảo đảm khác. Nhưng thực tế, công ty Anh Khoa đã cho thuê nhà xưởng này từ lâu và không hề sản xuất theo đúng dự án được duyệt vay. Vậy Quỹ HTPT Đồng Nai có biết chăng?
Vấn đề đặt ra là tại sao công ty Anh Khoa tự khai có vốn điều lệ lên đến 25 tỷ đồng (chủ yếu là tiền mặt) nhưng vốn tự có trong dự án này chỉ có 7,2 tỷ đồng và khoản tiền này có thật sự đầu tư vào dự án không? Như chúng tôi đã phân tích nêu trên thì tài sản hình thành trong dự án này ít hơn khoản vốn vay của đơn vị. Vậy nguồn vốn tự có ban đầu để đầu tư vào dự án có thật hay không? Câu trả lời đã quá rõ. Ngay từ ban đầu lập dự án đầu tư xí nghiệp may xuất khẩu Anh Khoa đã có nhiều khuất tất.
Trong khi biết bao doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thiếu vốn hoạt động, công ty Anh Khoa là một doanh nghiệp dân doanh vừa thành lập năm 2001, lại được duyệt cho vay đến 18,3 tỷ đồng. Từ việc vay và sử dụng vốn sai mục đích như vậy, công ty Anh Khoa do bà Nguyễn Minh Hoa làm chủ tịch Hội đồng quản trị đang mắc khoản nợ lên đến 27 tỷ đồng. Bao gồm các khoản: vay từ Quỹ HTPT Đồng Nai, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thônQ. Phú Nhuận, nợ tiền thuê đất ở KCN Vĩnh Lộc, nợ tiền xây lắp của Vinaconex …
Ngoài ra, trong thời gian này bà Hoa đã lợi dụng danh nghĩa làm hàng may xuất khẩu để vay tiền của nhiều ngân hàng với tài sản thế chấp là hàng chục sổ đỏ đất nông nghiệp của bà con nông dân ở huyện Bình Chánh, Củ Chi. Do bà Hoa không thanh toán nợ nên ngân hàng yêu cầu phát mãi thu hồi đất khiến nhiều nông dân đang đứng trước nguy cơ mất kế sinh nhai. Nhiều bà con nông dân cho rằng đã “bị lừa” lấy sổ đỏ và gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng. Trong khi chờ đợi cơ quan điều tra vào cuộc, đã có người qua đời mà vẫn phải “ôm” món nợ giùm bà Hoa.
(còn tiếp)
HNMTC
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.