(HNM) - Sau 5 năm thực hiện, Hà Nội là địa phương duy nhất trong cả nước triển khai thí điểm dạy chương trình THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX). Những kết quả ban đầu cho thấy sự cần thiết của mô hình này, song cũng đặt ra cho các cấp quản lý nhiều vấn đề cần giải quyết rốt ráo.
Học theo chương trình THPT
Điểm khác biệt của mô hình này với hệ bổ túc THPT tại TTGDTX là HS được học đầy đủ 14 môn như HS ở các trường THPT (HS bổ túc học 7 môn). Học xong, họ được thi theo chương trình THPT và nếu đủ điều kiện sẽ được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Với đặc thù của ngành học, HS theo học chương trình THPT không nhất thiết phải học theo thời khóa biểu quy định mà có thể học vào buổi tối hoặc ngày nghỉ. Trong khi ấy các em cũng chỉ phải đóng mức học phí tương đương như với HS theo học hệ bổ túc THPT, thấp hơn nhiều so với học tại các trường ngoài công lập. Với nhiều lợi thế như vậy nên hệ này cũng đã thu hút được khá đông HS theo học. Nếu như năm học 2004-2005, năm đầu tiên triển khai thí điểm, có 590 em theo học, thì năm học 2009-2010, số HS được tuyển mới theo hệ này đã tăng lên gấp hơn 4 lần.
Một giờ học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố. Ảnh: Trung Kiên |
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, việc triển khai chương trình THPT tại các TTGDTX đã mở thêm cơ hội cho HS muốn theo học chương trình THPT nhưng không đủ điều kiện vào học trường THPT công lập hoặc ngoài công lập. Mô hình này cũng góp phần giảm tải cho các trường THPT công lập, đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục bậc trung học trên địa bàn thành phố. Tuy vậy, thực tế triển khai tại các cơ sở cho thấy không dễ để có thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Việc tuyển sinh vào các TTGDTX thường được gọi là "chuyến tàu vét" bởi HS được tuyển hầu hết có học lực thấp hơn nhiều so với các trường THPT công lập, thậm chí thấp hơn cả một số trường THPT ngoài công lập.
Nhưng… còn thiếu đủ thứ
Chất lượng đầu vào thấp, chắc chắn phải cần "lực đẩy" mạnh hơn để sau 3 năm học, HS có thể đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT và đủ điều kiện để được nhận bằng tốt nghiệp THPT. Thế nhưng cả hai điều kiện cần thiết (cơ sở vật chất và đội ngũ) để phục vụ cho việc dạy - học ở các TTGDTX đều còn thiếu thốn đủ bề. Trong khi ấy ngành học GDTX phải cáng đáng không ít việc, chỉ riêng mảng dạy văn hóa là bổ túc THCS, bổ túc THPT, xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ…
Theo thống kê, trong số gần 1.200 giáo viên, nhân viên của các TTGDTX, có tới 2/3 số người là hợp đồng, thỉnh giảng. Đội ngũ giáo viên trong biên chế thiếu, nhiều nơi chưa có đủ mỗi môn một giáo viên (TTGDTX Việt Hưng - đơn vị có quy mô lớn của Hà Nội chỉ có 7 biên chế, Đình Xuyên 6 biên chế…). Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng thừa nhận, đội ngũ giáo viên của các đơn vị nhìn chung còn thiếu, nhất là ở các môn tin học, giáo dục công dân, địa lý, lịch sử, sinh học… Không chỉ thiếu giáo viên, các TTGDTX còn thiếu trầm trọng đội ngũ nhân viên, nhất là nhân viên phụ trách thiết bị thí nghiệm - những người lo khâu chuẩn bị thiết bị cho các giờ học… trong khi đối tượng HS ở các TTGDTX phần lớn đều học lực yếu, ý thức học tập chưa cao, cần lực lượng giáo viên "khỏe" hơn thì thực tế này đang đặt lên vai các đơn vị một áp lực không nhỏ.
Thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội còn cho thấy, cơ sở vật chất của các TTGDTX trên địa bàn còn nhiều thiếu thốn. Trong số 31 TTGDTX, ngoài một số đơn vị có diện tích khá rộng, đủ điều kiện phục vụ cho việc dạy - học và sinh hoạt của giáo viên, HS thì còn khá nhiều đơn vị có khuôn viên còn nhỏ như Hai Bà Trưng, Đình Xuyên, Hà Tây, Nguyễn Văn Tố, Đống Đa, Thạch Bàn, Thường Tín, Thạch Thất… Trong số đó hầu hết các đơn vị mới chỉ có đủ phòng học, phòng làm việc, chỉ có khoảng 1/5 số đơn vị có phòng chức năng, phòng thực hành, thí nghiệm; số các đơn vị có phòng thư viện cũng chỉ chiếm 1/2… Trong số gần hai chục đơn vị trang bị được phòng máy tính thì có tới gần một nửa chỉ có chưa đầy chục máy/phòng - khó đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình THPT.
Định mức ngân sách đầu tư cho mỗi HS theo học chương trình THPT tại TTGDTX chỉ tương đương với HS hệ bổ túc THPT (890.000 đồng/tháng), bằng 1/2 so với định mức của HS THPT; điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ vốn đã thiếu thốn, chất lượng đầu vào thấp - điều ấy khiến các đơn vị dù có tài xoay xở cũng khó có thể đạt được chất lượng giáo dục như mong muốn. Thực tế cho thấy, tỷ lệ tốt nghiệp của HS THPT tại các TTGDTX luôn thấp hơn các trường THPT khoảng 20%. Không phải ngẫu nhiên, một vài TTGDTX đã dần thu hẹp hệ này. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng từng chấp thuận đề xuất của phụ huynh, HS ở một TTGDTX, chuyển cả một lớp theo chương trình THPT sang học bổ túc THPT bởi nỗi lo không thể đạt được cái đích là tấm bằng THPT. Vì thế, cân nhắc và đầu tư thế nào để đỡ tốn công sức, thời gian, kinh phí của Nhà nước và cha mẹ HS, HS trong việc triển khai mô hình này là điều cần làm sớm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.