Tại hội nghị trực tuyến triển khai công điện của Thủ tướng để gỡ khó cho thị trường bất động sản được Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức ngày 13-11, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị lợi nhuận định mức làm nhà ở xã hội nên được tăng lên 15-20% thay vì 10%.
Mức tăng này cũng là mong muốn của nhiều chủ đầu tư.
Với Hà Nội, nhu cầu nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2023 là 6,8 triệu m2 sàn. Trong đề án xây một triệu căn nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ cũng giao chỉ tiêu cho thành phố phát triển 56.200 căn.
Vì vậy, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị vẫn giữ quy định doanh nghiệp làm nhà xã hội được dành 20% đất ở xây nhà thương mại, thay vì cắt đi như trong dự thảo Luật Nhà ở. Đây là cơ chế ưu đãi quan trọng để thu hút nhiều chủ đầu tư tham gia, hạ giá bán sản phẩm, hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà.
Về tiêu chí vay phát triển nhà xã hội, nhà ở công nhân trong gói 120.000 tỷ đồng, Sở Xây dựng đề xuất có giải pháp ưu đãi về thời gian vay, lãi suất, thủ tục pháp lý. Ví dụ, dự án nhà xã hội trước đó phải đáp ứng tiêu chí giải phóng mặt bằng xong, có giấy phép xây dựng mới được vay gói tín dụng trên. Sở cho rằng, dự án có quyết định giao đất, cho thuê đất đã đạt điều kiện để ngân hàng xem xét cho vay.
Về vấn đề lãi suất, hạn mức tín dụng của ngân hàng thương mại, cũng như điều kiện tiếp cận tín dụng…, doanh nghiệp đề xuất Ngân hàng Nhà nước có chính sách nới room tín dụng cho những ngân hàng tham gia tái cơ cấu thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, trong điều kiện pháp lý, các dự án bất động sản đang triển khai kéo dài như thời gian qua, các ngân hàng tối giản điều kiện cho vay, kéo dài thời gian vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinhomes cho biết, các doanh nghiệp bất động sản đến nay vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp. Do hạn chế room tín dụng, ngân hàng cân nhắc lựa chọn khách hàng khi cho vay. Mặt bằng lãi suất vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đề nghị, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các ngân hàng thương mại về cách hiểu và vận dụng, nới các “điều kiện vay vốn” để hỗ trợ, tạo điều kiện cho chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn.
Trên thực tế, các ngân hàng thương mại có cách áp dụng khác nhau về "điều kiện vay vốn", "nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp", "có phương án sử dụng vốn khả thi" và "có khả năng tài chính để trả nợ".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.