(HNM) - “Cơn bão” mang tên Covid-19 dồn dập và kéo dài đã khiến thị trường hàng không thế giới nói chung và hàng không Việt Nam nói riêng lao đao. Trước tình hình đó, các hãng hàng không Việt đã tìm mọi cách xoay xở để sinh tồn, đồng thời đề nghị Chính phủ hỗ trợ về quy định nới lỏng cách ly, cho vay các gói tín dụng ưu đãi...
Dịch Covid-19 kéo dài trong hơn 1,5 năm qua đã hút cạn nguồn lực của các hãng hàng không. Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng khách thông qua các cảng hàng không chỉ đạt 26,8 triệu lượt người, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2020. Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) Bùi Doãn Nề thông tin, số nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đã lên tới 36.000 tỷ đồng.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Vietnam Airlines tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, nửa đầu năm 2021, Công ty mẹ Vietnam Airlines ước lỗ khoảng 9.823 tỷ đồng, lỗ hợp nhất dự kiến khoảng 10.788 tỷ đồng, các chỉ số tài chính diễn biến theo hướng rất tiêu cực và rủi ro. Ngoài ra, giá dầu năm 2021 tăng cao cũng khiến chi phí của hãng tăng thêm 700 tỷ đồng so với năm 2020. Trong khi đó, các hãng hàng không tư nhân là Vietjet Air và Bamboo Airways đều đã dần cạn kiệt nguồn lực tài chính. Ước tính, riêng Vietjet Air thiếu hụt khoảng 10.000 tỷ đồng…
Trước tình hình dịch bệnh kéo dài, các hãng hàng không đã phải tìm mọi cách để xoay xở. Đi đầu là Vietnam Airlines với việc khẩn trương giảm tầng nấc trung gian, tinh giản số lượng lao động... Ngoài ra, hãng cũng đang đẩy mạnh kế hoạch bán các máy bay A321CEO sản xuất giai đoạn 2004, 2007, 2008 và lên kế hoạch bán 6 máy bay cánh quạt ATR 72 để thay thế đội máy bay phản lực loại nhỏ nhằm tăng sức cạnh tranh.
Hãng cũng tận dụng mọi cơ hội để gia tăng doanh thu, trọng điểm là tăng cường các hoạt động vận chuyển hàng hóa. “Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Vietnam Airlines đã hoán cải nhiều máy bay Boeing 787, Airbus A350, Airbus A321 để chở hàng, tăng năng lực chuyên chở hàng hóa trên mỗi loại máy bay lên gấp 1,8-2 lần. Vietnam Airlines đã xây dựng lịch bay thường lệ chở hàng quốc tế với 30 đường bay và tổ chức hơn 3.500 chuyến bay chở hàng. Những nỗ lực này giúp doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và chiếm gần 30% tổng doanh thu của hãng (giai đoạn trước dịch Covid-19, doanh thu hàng hóa chỉ chiếm 9%). Đây chính là tiền đề quan trọng để hãng quyết tâm thúc đẩy việc hoàn thiện đề án hãng hàng không hàng hóa ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát”, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà chia sẻ.
Tương tự, Vietjet Air và Bamboo Airways cũng đang tìm cách xoay xở vượt qua khó khăn. Cụ thể, tháng 4-2021, Vietjet Air đã bán gần 18 triệu cổ phiếu quỹ và thu về khoảng 2.350 tỷ đồng nhằm tăng cường nguồn lực hỗ trợ dịch vụ vận tải hàng không. Từ đầu năm 2021 đến nay, Bamboo Airways đã ba lần tăng vốn điều lệ. Lần đầu vào tháng 2-2021, nâng vốn từ 7.000 tỷ đồng lên 10.500 tỷ đồng; hai lần sau đều diễn ra vào tháng 4-2021, nâng vốn lên 12.500 tỷ đồng và 16.000 tỷ đồng. Bamboo Airways cũng nuôi tham vọng lập hãng hàng không vận tải hàng hóa... Cùng với đó, các hãng hàng không đã tích cực cho việc mở lại các đường bay quốc tế, mà điển hình là Vietnam Airlines và Vietjet Air triển khai ứng dụng “hộ chiếu sức khỏe điện tử” IATA Pass.
Nỗ lực của các hãng là rất đáng ghi nhận, song theo ông Bùi Doãn Nề, để ngành hàng không sớm hồi phục, Chính phủ cần chỉ đạo nới lỏng quy định về đi lại, cách ly với những người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin; từng bước nới lỏng các quy định nhập cảnh và cách ly đối với khách đã tiêm vắc xin đầy đủ và có kế hoạch sớm khai thác trở lại các đường bay quốc tế. Ngoài ra, VABA cũng đề nghị Chính phủ dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng, ưu đãi giảm lãi suất 4%, thời hạn 3-5 năm để các hãng duy trì nguồn lực phục hồi, phát triển…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.