Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng không thế giới: Nguy cơ lún sâu vào khủng hoảng

Minh Hiếu| 06/06/2020 06:29

(HNM) - Nhiều thập kỷ qua, để trở thành một phần quan trọng của tổng thể kinh tế thế giới, ngành Hàng không đã phải vượt qua nhiều thử thách lớn trong quá trình hình thành và phát triển, gắn liền với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Song, đại dịch Covid-19 như đợt sóng thần bất ngờ ập tới, tạo ra cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử. Các hãng hàng không đang đứng trước nguy cơ lún sâu vào khủng hoảng nếu không được hỗ trợ kịp thời.

Hãng Hàng không Avianca lâu đời thứ hai thế giới đã phải nộp đơn xin phá sản do tác động của dịch Covid-19.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), lĩnh vực hàng không tạo ra khoảng 65,5 triệu việc làm, đóng góp 2,7 nghìn tỷ USD vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tham gia và hỗ trợ cho 3,6% hoạt động kinh tế. Để so sánh, nếu đóng vai trò là một quốc gia thì ngành Hàng không sẽ đứng trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, xuất phát từ các biện pháp đóng cửa biên giới, phong tỏa, giãn cách xã hội mà chính phủ nhiều nước đang áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, nhu cầu đi lại bằng máy bay trên toàn thế giới hiện giảm đến 52,9% so với cùng kỳ năm 2019. Gần 2/3 trong số 26.000 máy bay chở khách đang ngừng hoạt động và khoảng 25 triệu người có thể mất việc làm. IATA nhấn mạnh ngành Hàng không toàn cầu đang đối mặt với khó khăn lớn chưa từng có, đẩy doanh thu cả năm 2020 giảm đến 55% so với năm 2019.

Tâm lý lo ngại cũng là yếu tố khiến ngành này khó có khả năng phục hồi rõ rệt ngay cả khi có điều kiện thuận lợi như tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, một số đường bay quốc tế được nối lại, giá dầu đang ở mức thấp và kích cầu du lịch nội địa được chú trọng. Công ty tư vấn chiến lược BCG (Mỹ) nhận định, hành khách phải kiểm tra thân nhiệt hoặc xuất trình giấy chứng nhận điều kiện sức khỏe để được lên máy bay, khiến quá trình làm thủ tục kéo dài hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu làm việc và tổ chức các cuộc họp từ xa đã tăng mạnh trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, sau đó dần trở thành một xu hướng giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Do đó, khi dịch bệnh qua đi, người dân vẫn sẽ có sự cân nhắc nhất định khi sử dụng loại hình dịch vụ vận tải này.

Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không hiện đã bị đẩy về mức tương đương ngưỡng của năm 2006 nhưng quy mô và nhân viên ngành này đã tăng gấp đôi so với cách đây hơn một thập kỷ. Điều này khiến hàng loạt hãng hàng không, từ những tên tuổi mới nổi cho tới thương hiệu lâu đời, đứng trước bài toán hóc búa để tồn tại, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản.

Giữa tháng 5-2020, Hãng Hàng không quốc gia Thái Lan Thai Airways đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Tuần trước, các hãng hàng không LATAM Airlines (trụ sở chính tại Chile) và Avianca (trụ sở chính tại Colombia) - thuộc diện hàng đầu khu vực Mỹ Latinh, cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Hàng loạt “ông lớn” gục ngã như Virgin (Australia), Flybe (Anh) khi công việc kinh doanh quá khó khăn. Hay như Hãng British Airways (Anh), mới đây thông báo dù không cắt giảm 12.000 nhân viên nhưng các nhân viên phải chấp nhận đi làm không lương 6 tuần mỗi năm. 

IATA cảnh báo, một nửa số hãng hàng không đối mặt với nguy cơ phá sản trong hai đến ba tháng tới nếu chính phủ nhiều nước không có biện pháp hỗ trợ. Chính các hãng hàng không cũng đã khẩn thiết kêu gọi chính phủ những nền kinh tế lớn hành động nhanh chóng để vượt qua khó khăn hiện tại như cách chính phủ Pháp và Hà Lan đã hỗ trợ tổng cộng 9,7 tỷ USD để giải cứu hai hãng hàng không Air France (Pháp) và KLM (Hà Lan). Gần đây, ngành Hàng không Mỹ đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ 50 tỷ USD, bao gồm các khoản ưu đãi tài chính, giảm thuế phí hoạt động.

Thực tế, dù được sự hỗ trợ từ chính phủ các nước thì ngành Hàng không thế giới cũng sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, ít nhất đến năm 2023 như dự báo của IATA.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng không thế giới: Nguy cơ lún sâu vào khủng hoảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.