(HNM) - Sản phẩm dệt Phùng Xá không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn theo chân các doanh nghiệp sang… trời Tây.
Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng tại làng nghề Phùng Xá. |
"Dệt" nên những tỷ phú
Trước kia, ngoài trồng lúa, trồng rau, người dân Phùng Xá còn có nghề ươm tơ, nuôi tằm. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, nghề dệt Phùng Xá khởi nguồn từ đầu thế kỷ XX, cụ tổ làng nghề là cụ Hoàng Tiến Gan, xuất thân trong một gia đình nông dân, luôn trăn trở tìm cách thoát nghèo. Năm 1928, cụ rời làng đi học nghề ở Bắc Ninh, Hà Đông, năm 1929, cụ về làng tổ chức một nhóm thợ, đóng máy, dựng giá thành khung rồi truyền nghề cho dân làng... Trước Cách mạng Tháng Tám, làng dệt hoạt động theo hình thức cá thể, tự sản tự tiêu, chủ yếu là dệt tơ tằm, the, đũi với số lượng ít. Sau người học nghề ngày một nhiều, làng mở rộng quy mô thành HTX tiểu thủ công nghiệp, dệt các mặt hàng như lụa, sa tanh, khăn mặt bông để xuất khẩu.
Cứ đời này nối tiếp đời kia, người Phùng Xá truyền cho nhau nghề dệt. Nghệ nhân Bùi Đình Long, người có mấy chục năm theo nghề cho biết: Thời điểm những năm 1991, 1992, số hộ làm dệt trong làng nhiều song máy móc còn thô sơ, nguyên liệu sản xuất khan hiếm, chủ yếu là sợi tơ tằm nên các sản phẩm dệt khá đơn điệu. Những lúc khó khăn, HTX đã giải thể, nhiều thợ bỏ nghề đi làm thuê khắp nơi. Nhưng với khát khao giữ nghề, nhiều thợ tay nghề cao trong làng vẫn cố dạy nghề cho con cháu, đã tự tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư máy dệt, nguyên liệu. Sản phẩm khăn dệt của làng trở nên đa dạng hơn về mẫu mã, kiểu dáng như: Khăn mặt, khăn nhỡ, khăn tắm, khăn trơn, khăn họa tiết, khăn nhuộm màu, phun màu... Nghề dệt Phùng Xá lại phát triển từ đó và đến nay toàn xã có 28 doanh nghiệp tư nhân, trên 50 công ty TNHH quy mô sản xuất lớn với 2.550 máy dệt trong đó có 472 máy dệt tự động, còn lại là máy dệt thủ công và bán thủ công. Sản lượng và chất lượng của sản phẩm khăn dệt không ngừng được nâng cao. Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm dệt Phùng Xá có mặt ở 6 quốc gia là Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Séc, Hàn Quốc và nhiều nhất là Đài Loan (Trung Quốc).
Ông Phan Minh Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Phùng Xá cho biết, toàn xã có hơn 80% số hộ làm nghề dệt, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 4.500 lao động địa phương và các xã lân cận với thu nhập ổn định từ 2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy là nghề phụ nhưng dệt khăn đã mang lại nguồn thu nhập chính, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Thương hiệu khăn dệt Phùng Xá đã giúp nhiều chủ cơ sở sản xuất trở thành tỷ phú.
Để làng nghề phát triển bền vững
Năm 2002, Phùng Xá được công nhận là làng nghề truyền thống. Đây là động lực để nghề dệt ngày một phát triển, góp phần tạo việc làm cho một lượng lớn lao động, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, diện mạo làng quê thay đổi. Đặc biệt, năm 2004, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ làng nghề dệt Phùng Xá được thành lập với hơn 90% thành viên là các hộ gia đình và cơ sở sản xuất khăn dệt trên địa bàn đã tạo bước chuyển mới cho sự phát triển của làng nghề.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, chủ doanh nghiệp dệt may Phùng Xá cho biết, đa phần các xưởng sản xuất đều sử dụng máy dệt công nghiệp hiện đại, năng suất cao gấp 3-4 lần máy dệt thủ công. Xưởng của gia đình anh có 6 máy dệt công nghiệp và 10 máy dệt thủ công, mỗi ngày sản xuất bình quân từ 1,2 đến 1,5 tấn khăn, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động. Vừa dệt khăn xuất khẩu, vừa mở cửa hàng kinh doanh ở nội thành Hà Nội, gia đình thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Nghề dệt nơi đây đã mang ấm no đến cho người dân song không ít người lại băn khoăn trước sự phát triển "nóng" của làng nghề. Ông Vũ Văn Chùy, Phó Chủ tịch UBND xã Phùng Xá cho biết, sự phát triển ồ ạt của các xưởng dệt đang gây ô nhiễm môi trường sống. Là xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Mỹ Đức nhưng đến nay tiêu chí môi trường vẫn khiến Phùng Xá chưa đạt chuẩn. UBND xã đã phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường song tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục. Việc duy trì nghề tổ tiên của cha ông song cũng phải nghĩ đến bảo đảm môi trường sống ở đây lúc này trở nên hết sức cấp thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.