Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng Bạc xưa và nay

LANHUONG| 28/11/2004 10:56

Rủ nhau chơi khắp Long Thành / Ba mươi sáu phố rành ràng chăng sai / Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai / Hàng Buồm, Hàng Thiếc,Hàng Bài, Hàng Khay... Bài ca dao ấy có nhắc đến 36 phố phường của Hà Nội. Trong bài, tên của mỗi con phố gắn liền với lịch sử của đất Tràng An xưa kia. Phố Hàng Bạc ở Hà Nội được nhắc đến như một địa danh nổi tiếng của Hà Nội về nghề kim hoàn truyền thống.

Rủ nhau chơi khắp Long Thành / Ba mươi sáu phố rành ràng chăng sai / Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai / Hàng Buồm, Hàng Thiếc,Hàng Bài, Hàng Khay... Bài ca dao ấy có nhắc đến 36 phố phường của Hà Nội. Trong bài, tên của mỗi con phố gắn liền với lịch sử của đất Tràng An xưa kia. Phố Hàng Bạc ở Hà Nội được nhắc đến như một địa danh nổi tiếng của Hà Nội về nghề kim hoàn truyền thống.

Một nghề truyền thống

Truyền thuyết dân gian vẫn kể rằng tổ của nghề này là ba anh em họ Trần, người làng Định Công (nay thuộc huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội). Cho đến nay, nhiều người dân sống ở phố Hàng Bạc, một số vẫn là người làng Định Công.

Thực ra nghề kim hoàn là gồm 3 nghề khác nhau: Nghề chạm - tức là chạm trổ những hình vẽ, hoa văn trên mặt đồ vàng, đồ bạc; nghề đậu tức là kéo vàng bạc đã nung chảy thành những sợi chỉ vàng, bạc rồi từ đó uốn thành hình hoa lá, chim muông gắn lên đồ trang sức; nghề trơn thì chuyên làm những đồ vàng bạc không cần chạm trổ hoặc gắn thêm hình hoa lá mà chỉ đánh cho trơn bóng. Nhưng do đặc thù của vàng bạc nên có sự phối hợp giữa 3 nghề này. Vì thế, người dân quen gọi là nghề vàng bạc.

Cũng theo nghiên cứu sử học, vào thời Lê, phố Hàng Bạc thuộc về phường Đông Các. Dân chuyên về nghề vàng bạc chủ yếu từ nơi khác tới. Đó là những người dân từ Trâu Khê (thuộc huỵên Bình Giang, Hải Dương)- những người này chuyên đúc bạc cho triều đình và lập thành một “tràng đúc”, Trương đình; Kim Ngân đình – nay là số nhà 58, 42, 50; số khác là dân từ Đồng Sâm (huyện Kiến Xương,Thái Bình) và dân làng Định Công(Thanh Trì, Hà Nội). Dần dần, nghề làm bạc ở Hà Nội trở nên có tiếng.

Dân từ nhiều nơi về đây đổi bạc vụn, vàng cốm để lấy vàng bạc ròng. Thời Pháp, người ta còn gọi phố những người đổi bạc vì khi ấy, có những người đổi bạc, tiền đồng để lấy bạc giấy, hay đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ... Tới nay, phố Hàng Bạc có khoảng gần ba chục cửa hàng vàng bạc. Phần lớn những hộ này đều làm nghề truyền thống của cha ông: đúc vàng bạc, bán buôn, bán lẻ; trao đổi sửa chữa... Mặt hàng phong phú và đa dạng. Số còn lại làm nhiều nghề khác nhau: chạm khắc bia mộ, buôn bán mặt hàng thổ cẩm, dịch vụ...

Sống mãi với thời gian

Phố Hàng Bạc hiện nay đang là một trong những phố cổ của Hà Nội được lưu giữ và bảo tồn không chỉ bởi nét cổ xưa còn lại mà là ở giá trị của nghề làm bạc truyền thống.Sự thay da đổi thịt của Hà Nội trong những năm gần đây không làm lay động đến từng ngọn cây, mái nhà nơi góc phố.Vẫn những ngôi nhà ống chạy dài với mặt tiền hẹp với dáng vẻ cổ xưa.Phía trước, trưng bày chiếc tủ kính nhỏ nhắn với đồ trang sức vàng bạc rực rỡ.

Điều đặc biệt là dù cho tới nay có những máy móc, thiết bị hiện đại trong nghề đúc bạc thì nhiều gia đình kinh doanh vàng bạc ở đây vẫn làm thủ công, phần vì họ không muốn làm mai một dần nghề truyền thống của gia đình, phần vì chế tác bạc bằng thủ công thường tinh xảo và kỹ thuật hơn.Và do đó, cũng thu hút khách đến đây đông hơn. “Người sành chơi có thể nhìn qua là biết ngay vàng, bạc đó thuộc loại gì, khoảng bao nhiêu lai... Họ tìm tới Hàng Bạc cũng chính bởi nét bạc thủ công đó” - Chị Thành (số nhà 28) cho hay.

Tại đây có những gia đình 4 đời làm nghề chế tác bạc.Không chỉ buôn bán, họ còn sửa chữa nếu khách hàng có nhu cầu. Gần đây, xu thế đa dạng hoá các mặt hàng trang sức đã khiến cho các tủ kính của nhiều cửa hàng thêm phong phú.Các loại kim cương, mã lão, hàng mỹ ký cũng được trưng bày khá đẹp mắt. Chính bởi thế, khách hàng tới đây từ khắp nơi. Họ có thể đặt mua hoặc sửa chữa theo ý của mình. Đặc biệt, những vị khách nước ngoài rất thích mặt hàng vàng bạc truyền thống này bởi nét khắc tinh vi, sắc sảo thể hiện sự tinh tế, kỹ thuật của người nghệ nhân trên từng sản phẩm.

Tới Hàng Bạc ở Hà Nội và được ngắm nhìnngười nghệ nhân cặm cụi chạm từng hoa văn lên đồ trang sức, gắn ghép tỉ mỉ những sợi chỉ vàng, bạc thành những hình hài trên chiếc vòng tay,nhẫn, dây chuyền, hoa tai, trâm cài; đôi mắt dõi theo từng li,lai,hoa vàng bạc trên chiếc cân nhỏ xíu... mới cảm phục tài hoa của con người đất Hà thành. Phố Hàng Bạc ở Hà Nội cũng đẹp hơn bởi những nghệ nhân như thế!

Theo Tạp chí Truyền hình Hà Nội

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng Bạc xưa và nay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.