Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàn Quốc - Triều Tiên: Cơ hội hóa giải bất đồng

Đình Hiệp| 07/02/2014 06:23

(HNM) - Trái với những phản ứng khá gay gắt của Bình Nhưỡng đưa ra trước cuộc tập trận chung

Đoàn tụ với người thân sau nhiều thập kỷ ly tán là khát khao của nhiều gia đình tại Triều Tiên và Hàn Quốc.



Theo thỏa thuận vừa được các quan chức Hội Chữ thập đỏ hai nước đưa ra tại làng đình chiến Panmunjom, cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán đầu tiên kể từ năm 2010 đến nay sẽ diễn ra trong 6 ngày từ 20 đến 25-2 tại Khu du lịch Núi Kumgang ở Triều Tiên. Mặc dù Triều Tiên không công khai gắn bất kỳ thỏa thuận khả thi nào giữa vấn đề đoàn tụ với yêu cầu hủy các cuộc tập trận thường niên trên, song các quan chức Hàn Quốc vẫn nhấn mạnh rằng mọi kế hoạch của Seoul sẽ vẫn diễn ra như dự kiến. Trưởng đoàn đàm phán Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc Lee Duk-Haeng nhận định, dù cuộc đoàn tụ được tổ chức muộn hơn 3 ngày so với thời gian đề xuất ban đầu của Hàn Quốc từ ngày 17 đến 22-2, thế nhưng thỏa thuận quan trọng này sẽ góp phần không nhỏ trong việc mở ra cơ hội cải thiện quan hệ liên Triều vốn gặp nhiều sóng gió thời gian qua.

Năm 2013 ghi dấu một sự kiện lịch sử khi cả hai nước đều tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên (27-7-1953). Về mặt kỹ thuật, hai quốc gia láng giềng ở khu vực Đông Bắc Á này vẫn ở trong tình trạng chiến tranh vì chưa ký Hiệp định hòa bình. Đã hơn 6 thập kỷ trôi qua, nhưng cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 dẫn tới sự chia cắt hai miền vẫn là ký ức buồn với người dân hai nước, đặc biệt với những gia đình bị ly tán bởi cuộc chiến. Các số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, hàng triệu người giữa hai miền Triều Tiên đã bị phân ly trong cuộc chiến tranh này. Thật đáng buồn khi nhiều người trong số họ đã qua đời mà không có cơ hội được một lần gặp lại các thành viên gia đình. Khoảng 27.000 người Hàn Quốc, với gần một nửa đã trên 80 tuổi, vẫn còn sống và đang nằm trong danh sách đợi được đoàn tụ. Trong khi đó, mỗi lần gặp mặt chỉ có vài trăm người được chọn. Thấu hiểu được khát khao chính đáng trên của các gia đình bị ly tán bởi chiến tranh, cuộc đoàn tụ đầu tiên được tổ chức sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều năm 2000. Kể từ đó đến nay, hai bên đã nỗ lực tổ chức được 18 đợt đoàn tụ với sự tham gia của hơn 20.000 người.

Để giúp khoảng 100 người từ Hàn Quốc và 100 người từ Triều Tiên tham gia cuộc đoàn tụ, hai bên đã phải vượt qua không ít trở ngại. Mới đây nhất vào tháng 9 năm ngoái, Hàn Quốc và Triều Tiên đã từng lên kế hoạch tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa các gia đình bị chia cắt, song vào phút chót Bình Nhưỡng đã tuyên bố hủy kế hoạch này vô thời hạn cũng như các cuộc thảo luận về việc nối lại tour du lịch tới Núi Kumgang. Các chuyên gia phân tích cho rằng, cùng với cáo buộc Hàn Quốc thực hiện chính sách thù địch, quyết định hủy bỏ của Bình Nhưỡng vào thời điểm đó là nhằm gây áp lực với Seoul để nối lại các tuyến du lịch ở Núi Kumgang, vốn mang lại nguồn thu lớn cho Bình Nhưỡng. Hàn Quốc đã ngừng các tuyến du lịch tới khu nghỉ mát trên vào năm 2008, sau khi một lính Triều Tiên bắn chết khách du lịch Hàn Quốc đi lạc vào vùng cấm. Seoul từng tuyên bố sẽ không mở lại hoạt động trên khi lập luận rằng nguồn tiền từ đây được Triều Tiên dùng để phát triển vũ khí và tên lửa hạt nhân. Bên cạnh đó là việc Bình Nhưỡng không công khai xin lỗi về vụ bắn chết du khách Hàn Quốc.

Thế nhưng, bán đảo Triều Tiên một lần nữa lại đứng trước cơ hội hóa giải bất đồng khi thỏa thuận nối lại hoạt động đoàn tụ các gia đình bị ly tán nhận được sự nhất trí cao của cả hai bên. Hoạt động mang tính biểu tượng cao này không chỉ góp phần xoa dịu nỗi đau của những gia đình bị ly tán mà còn được kỳ vọng sẽ cải thiện quan hệ liên Triều. Tuy nhiên thực tế cho thấy, bán đảo Triều Tiên luôn chứa đựng những yếu tố bất ngờ và không ai dám chắc những gì sẽ xảy ra vào phút chót. Vì thế, để thực hiện hoạt động nhân văn này hay tiến tới mục tiêu xa hơn là cải thiện quan hệ liên Triều, hai bên cần có những hành động cụ thể và thiết thực hơn nữa trong bối cảnh vẫn còn bị ám ảnh bởi những nghi kỵ như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàn Quốc - Triều Tiên: Cơ hội hóa giải bất đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.