Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàn Quốc thúc đẩy gia nhập CPTPP: Tăng cường thương mại với các đối tác

Minh Hiếu| 30/12/2021 06:25

(HNM) - Chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy việc nộp đơn gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước quan tâm đến hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này. Việc trở thành thành viên của CPTPP được đánh giá sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xứ sở Kim chi, trong đó có việc tăng cường thương mại với các đối tác.

Hàn Quốc đã bắt đầu tiến trình gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để đa dạng hóa danh mục xuất khẩu.

Theo kênh Arirang, trong cuộc họp vào đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki thông báo nước này sẽ nộp đơn xin gia nhập CPTPP (hiện gồm 11 nước thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam) vào tháng 4-2022, đồng thời đẩy nhanh việc thu thập ý kiến công chúng và xây dựng đồng thuận xã hội về vấn đề này. Một lực lượng đặc trách về thương mại sẽ nghiên cứu những tác động tiềm tàng của CPTPP đối với các lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế và xã hội, đồng thời tham gia vào các cuộc đàm phán không chính thức với quốc gia Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban CPTPP năm 2022.

Còn theo The Korea Herald, trước đó, Chính phủ Hàn Quốc thông báo đã bắt đầu tiến trình tham gia CPTPP như một phần trong nỗ lực đa dạng hóa danh mục xuất khẩu của nước này. Viện Kinh tế công nghiệp và thương mại Hàn Quốc ước tính, kim ngạch thương mại của các quốc gia thành viên CPTPP lên tới 5,7 nghìn tỷ USD vào năm 2019, chiếm 15,2% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. Xuất khẩu sang 11 quốc gia này chiếm 23,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc, trong khi nhập khẩu chiếm 24,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của xứ sở Kim chi. Việc Hàn Quốc thúc đẩy gia nhập CPTPP nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp. Bộ trưởng Hong Nam-ki cho biết chính phủ sẽ có các biện pháp giảm bớt tác động đối với các ngành dễ bị tổn thương, bao gồm nông nghiệp.

Trang Nikkei Asia nhận định, những thành tựu về công nghệ, thương mại và vai trò nổi bật của Hàn Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến nước này trở thành một ứng cử viên sáng giá của CPTPP. Trong bài diễn văn nhân dịp năm mới 2021, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã một lần nữa bày tỏ sự quan tâm đối với việc tham gia CPTPP. Hàn Quốc đã tích cực xem xét việc gia nhập CPTPP trong năm nay như một phần trong nỗ lực mở rộng các hiệp định thương mại tự do lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Hãng thông tấn Yonhap, khả năng gia nhập CPTPP của Hàn Quốc có thể là một động lực lớn cho việc mở rộng danh mục đầu tư thương mại, song song với việc triển khai Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RECEP) vừa được Quốc hội nước này phê chuẩn hồi đầu tháng 12 này.

Viện Kinh tế quốc tế Peterson ước tính những lợi ích đáng kể từ việc Hàn Quốc trở thành thành viên của CPTPP đang dần tăng. Nếu tham gia, Hàn Quốc sẽ thu được 86 tỷ USD mỗi năm, trở thành một trong những thành viên hưởng lợi lớn nhất từ thỏa thuận. CPTPP sẽ tăng cường vai trò trung tâm vốn có của Hàn Quốc trong chuỗi cung ứng châu Á và Bắc Mỹ với việc giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan. Lợi ích của việc trở thành thành viên của Hàn Quốc cũng sẽ nhân lên khi CPTPP kết nạp thêm thành viên mới.

Theo Nikkei Asia, lợi nhuận của các thành viên dự kiến tăng gấp ba khi có thêm 5 đối tác quy mô trung bình và tăng gấp bốn lần nếu Trung Quốc hoặc Mỹ tham gia. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước quan tâm đến CPTPP, việc Hàn Quốc sớm gia nhập cũng giúp nước này tránh được quá trình đàm phán tốn kém và phức tạp hơn khi số thành viên của hiệp định tăng lên.

Nhìn chung, CPTPP sẽ tăng cường mối quan hệ thương mại với các đối tác kinh tế chính của Hàn Quốc. Nước này có lý do để tham gia CPTPP và đây là một động thái đáng được trông đợi, gửi tín hiệu mạnh mẽ về lợi ích và triển vọng của hiệp định này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàn Quốc thúc đẩy gia nhập CPTPP: Tăng cường thương mại với các đối tác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.