Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàn Quốc:Sớm “giải cứu” nền kinh tế

Hoàng Linh| 02/07/2016 07:16

(HNM) - Ngay sau khi kết quả kiểm phiếu của cuộc trưng cầu dân ý đối với việc nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit được công bố, đồng won lập tức đối mặt với mức giảm lớn nhất kể từ năm 2011.


Dù không có mối liên quan quá lớn về tài chính và thương mại, Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với nguy cơ rò rỉ vốn đầu tư từ Anh (hiện chiếm khoảng 8,4% vốn đầu tư nước ngoài tại đây). Khi thị trường tài chính trở nên bất ổn, giá trị đồng USD sẽ tăng, kéo theo hiện tượng thất thoát vốn từ các quốc gia khác. Do đó, các nhà hoạch định kinh tế Hàn Quốc cho rằng Brexit cũng sẽ làm gia tăng những biến động trong ngắn hạn đối với nền kinh tế nước này.

Hàn Quốc mong muốn giữ ổn định đà phát triển kinh tế trước các tác động bên ngoài.



Thực tế trên đã buộc Seoul phải có những động thái đề phòng, thể hiện trước hết qua việc cắt giảm những dự báo tăng trưởng. Cụ thể, triển vọng tăng trưởng cho năm 2016 đã được hạ từ mức 3,1% xuống còn 2,8% trong khi dự báo của Chính phủ Hàn Quốc về lạm phát cũng đã cắt giảm từ 1,5% xuống còn 1,1% - thấp hơn nhiều so với vài năm gần đây... Theo số liệu do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc công bố ngày 1-7, trong nửa đầu năm 2016, xuất khẩu nước này đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái (còn 241,75 tỷ USD), trong khi nhập khẩu giảm 13,5% (còn 192,2 tỷ USD). Nền kinh tế lớn thứ tư Châu Á đã trải qua tháng thứ 18 trong tình trạng xuất khẩu thụt lùi. Sự sụt giảm chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực: Xuất khẩu tàu thuyền (giảm 16,7% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái), xuất khẩu vi mạch máy tính (giảm 0,4%), xuất khẩu xe ô tô (giảm 12,3%), xuất khẩu màn hình phẳng (giảm 25,2%).

Nhằm đối phó với những tác động theo chiều hướng tiêu cực lên nền kinh tế, Chính phủ Hàn Quốc vừa đề xuất “rót” thêm 10.000 tỷ won (tương đương 8,44 tỷ USD) cho việc “giải cứu” nền kinh tế trước những nguy cơ rõ ràng từ việc nước Anh rời EU. Với động thái này, tổng mức gói kích thích kinh tế của Hàn Quốc đã lên ngưỡng 20.000 tỷ won (tương đương 17 tỷ USD). Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng yêu cầu các bộ, ngành cần nỗ lực để có thể triển khai chương trình thúc đẩy kinh tế này trong thời gian sớm nhất (dự kiến là ngay giữa tháng 7).

Theo kế hoạch của Bộ Tài chính Hàn Quốc, gói tài chính này sẽ ưu tiên các biện pháp kích thích chi tiêu thông qua giảm giá các mặt hàng, ưu đãi thuế cho việc thay thế xe dầu diesel cũ, tăng trợ cấp thất nghiệp cho lao động trong lĩnh vực đóng tàu (khoảng 60.000 người), hỗ trợ tuyển dụng các lao động trở về do nhà máy phải đóng cửa ở nước ngoài. Mặt khác, việc sẽ lấy trực tiếp khoản kinh phí tăng cường 10.000 tỷ won nói trên từ tiền thuế cũng giúp Chính phủ tránh việc phải bán trái phiếu kho bạc hoặc tăng mức nợ công. Nếu tiến triển khả quan, con số tăng trưởng kinh tế năm nay của Hàn Quốc sẽ được cải thiện từ 0,2% đến 0,3% so với dự đoán.

Với những hành động quyết liệt và kịp thời nhằm bảo đảm tăng trưởng kinh tế và duy trì ổn định thị trường tài chính, Hàn Quốc hy vọng có thể "giảm bớt những ảnh hưởng của Brexit đến mức tối thiểu" như lời Tổng thống Park Geun-hye khẳng định tại cuộc họp hằng tuần với các cố vấn đặc biệt. Bước đi nhanh chóng của Seoul được xem là mở đầu cho một xu thế mà các chuyên gia kinh tế thế giới nhận định sẽ thịnh hành trong thời gian tới. Đó là tung ra các gói kích thích kinh tế nhằm tăng khả năng phòng vệ trước những rủi ro từ quyết định ly khai của nước Anh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàn Quốc:Sớm “giải cứu” nền kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.