Ngày 31-1, The Korea Times đưa tin, Hàn Quốc sẽ tiến hành chuyển đổi hạ tầng lắp ráp trong các nhà máy của ngành công nghiệp sản xuất trong nước theo hướng tự động hóa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực.
Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, đây là giải pháp cần thiết trong bối cảnh chính phủ nước này tiếp tục đau đầu tìm các giải pháp xử lý vấn đề thiếu nguồn lao động.
Để hiện thực hóa kế hoạch, Hàn Quốc ngay trong nửa đầu năm 2024 sẽ bắt tay vào xây dựng một kế hoạch tổng thể cho hoạt động sản xuất tự động sử dụng AI trong lĩnh vực sản xuất ô tô và đóng tàu. Đây là hai ngành công nghiệp chủ chốt của xứ Kim chi. Hoạt động thử nghiệm thực tế cũng sẽ được triển khai ngay trong năm 2024 tại một số khu vực khác nhau trên toàn quốc.
Dự án đầy tham vọng ước tính sẽ cần khoảng 150 nghìn tỷ won (tương đương khoảng 113 tỷ USD), dự kiến lấy từ các nguồn đầu tư tư nhân và cả đầu tư nước ngoài (FDI).
Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ thành lập quỹ nhà nước 14,7 nghìn tỷ won ngay trong năm nay để giải quyết các nút thắt chính sách có liên quan, triển khai các ưu đãi thuế, đồng thời dẹp bỏ những quy định cản trở nguồn đầu tư vào các ngành công nghiệp tương lai.
Để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiên tiến phục vụ kế hoạch mới, Hàn Quốc sẽ cho phép các công ty tư nhân dẫn dắt các nỗ lực nghiên cứu và phát triển (R&D) để tối đa hóa hiệu quả hoạt động.
Chính phủ nước này cũng sẽ chỉ định 40 dự án trọng điểm trong các ngành công nghiệp đang chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt của những doanh nghiệp hàng đầu thế giới, đồng thời hứa hẹn sẽ tài trợ ít nhất 70% ngân sách nghiên cứu cho một số công ty "cây nhà lá vườn".
Kế hoạch tham vọng nêu trên là một phần trong mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu 700 tỷ USD của Hàn Quốc, cao hơn đáng kể con số 683,6 tỷ USD của năm 2022. Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Duk-geun, nước này cũng đang theo đuổi mục tiêu thu hút thêm 35 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, Hàn Quốc sẽ tiến hành kế hoạch quốc gia nhằm giảm sự phụ thuộc vào một số quốc gia nhập khẩu đối với một số mặt hàng linh kiện quan trọng, như pin sạc.
Bằng cách thúc đẩy "Chuỗi cung ứng công nghiệp 3050", Hàn Quốc kỳ vọng có thể giảm mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu lithium và khoáng sản đất hiếm từ 70% vào năm 2022 xuống còn 50% hoặc thấp hơn vào năm 2030.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.