(HNM) - Tình trạng hạn hán bất thường diễn ra từ đầu năm 2022 đến nay tại nhiều khu vực của nước Mỹ đang có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng, kéo theo những thách thức to lớn, đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp. Theo Cơ quan Giám sát hạn hán Mỹ, gần 40% lãnh thổ và 30,25% dân số nước này đã rơi vào tình trạng thiếu nước. Chính phủ và nông dân Mỹ đang phải nỗ lực “giải cứu” những mảnh đất khô hạn.
Theo kết quả cuộc khảo sát mới nhất của Liên đoàn Nông nghiệp Mỹ, hạn hán bất thường năm nay đang ảnh hưởng nặng đến vụ mùa, gây ra nhiều khó khăn hơn so với năm 2021. Có 37% nông dân Mỹ cho biết đang phá bỏ cây trồng vì không thể thu hoạch được do khô hạn, tăng vọt so với mức 24% của năm ngoái. Hạn hán gia tăng nhanh chóng tại các vùng đồng bằng miền Trung, Nam và Trung Nam, làm cạn kiệt độ ẩm của lớp đất bề mặt, gây ảnh hưởng đáng kể đến đất đai, đồng cỏ và các loại cây trồng vụ hè, đặc biệt là ở các bang như Texas, Bắc Dakota đến California - khu vực chiếm gần một nửa giá trị sản xuất nông nghiệp của Mỹ.
Các chuyên gia khí tượng cho rằng, ảnh hưởng của đợt hạn hán ở Mỹ này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới, không chỉ với nông dân và chủ trang trại, mà còn cả với người tiêu dùng. Nhiều nông dân đã phải bán bớt đàn gia súc mà họ đã nuôi nhiều năm hoặc phá bỏ những cây ăn quả để hạn chế thiệt hại do khô hạn.
Riêng tại California, bang có nhiều cây ăn quả và cây cho hạt, có tới 50% nông dân phải chặt bỏ cây trồng, dù biết điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu trong tương lai. Tại các khu vực nông nghiệp khác cũng có 33% nông dân Mỹ phải hành động tương tự và tỷ lệ này cao gần gấp đôi so với con số năm ngoái. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, nông dân ở tiểu bang Texas, New Mexico và Oregon đang phải bán đàn gia súc sớm hơn bình thường, do cạn kiệt nguồn nước và đồng cỏ bốc cháy.
Tương tự như bất cứ nền nông nghiệp nào trên thế giới, nước là yếu tố đặc biệt quan trọng với nông nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, các con sông lớn có vai trò quan trọng với canh tác như Colorado đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nước. Trong bối cảnh đó, lạm phát tăng cao cũng khiến các chủ trang trại khó khăn hơn trong việc “giải cứu” những mảnh đất khô hạn của mình.
Trước tình trạng hạn hán kéo dài, giới chức Mỹ đang phải có kế hoạch cắt nguồn cung nước tới một số bang ở Mỹ và tới Mexico nhằm tránh "một thảm họa sụp đổ" của sông Colorado. Đây là con sông cung cấp nước cho khu vực Tây nước Mỹ. Tuy nhiên, lượng mưa dưới mức trung bình trong hơn 2 thập kỷ qua khiến mực nước của con sông này đang ở mức thấp nguy hiểm, đặc biệt khi chu kỳ hạn hán tự nhiên ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, nhằm tránh thảm họa sụp đổ hệ thống sông Colorado cũng như tránh tương lai bất trắc, việc sử dụng nước từ khu vực lòng chảo sẽ bị hạn chế. Với quyết định này, lượng nước cung cấp đến bang Arizona sẽ giảm 21%, đến bang Nevada sẽ giảm 8% vào năm 2023. Trong khi đó, phần nước cung cấp sang Mexico sẽ giảm 7%. Các cộng đồng dân cư sử dụng nước sông Colorado, trong đó có Los Angeles, được yêu cầu tiết kiệm nước bằng cách hạn chế tưới cây ngoài trời.
Tình trạng hạn hán khiến giá lương thực, thực phẩm, vốn đã tăng cao trong thời gian qua, sẽ tiếp tục “phi mã”. Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, giá thực phẩm tiêu dùng đã tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1974. Trong đó, giá trứng tăng 44,2%, giá ngũ cốc, rau, thịt bò cũng tăng đáng kể.
Sản lượng nông nghiệp Mỹ giảm mạnh cũng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, đồng thời làm nghiêm trọng thêm những bất ổn về an ninh lương thực, vốn đang được nhiều tổ chức quốc tế cảnh báo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.