(HNM) - Các kỳ thi năm 2013 dự kiến có một số điều chỉnh, bổ sung quy định mới nhằm siết chặt kỷ cương trường thi, tiến tới một nền giáo dục có chất lượng, hạn chế tình trạng học để thi, không thi là không học. Để đạt được mục tiêu ấy, ngành GD-ĐT cần bắt đầu từ đâu?
Thi thế nào, học thế ấy
Tâm lý thi thế nào, học thế ấy; có thi mới học đã tồn tại khá phổ biến ở nhiều HS. Thế nên mới xảy ra tình trạng sau khi Bộ GD-ĐT công bố môn thi tốt nghiệp THPT (vào cuối tháng 3 hằng năm), thầy, trò ở hầu hết các nhà trường đều cắt xén nội dung các môn học khác, dành thời gian, công sức tập trung ôn luyện cho 6 môn thi. HS lớp 11 cũng căn cứ vào danh mục các môn đã thi tốt nghiệp năm trước để dự đoán môn thi năm sau. Thậm chí, có HS còn dự đoán nội dung nào sẽ thi, nội dung nào không để đỡ phải học. Vì thế mới có chuyện nơi này "trúng tủ", nơi kia "lệch tủ"...
Các kỳ thi năm nay sẽ có một số điều chỉnh, bổ sung quy định nhằm siết chặt kỷ cương trường thi. Ảnh: Viết Thành |
Mấy năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các sở GD-ĐT và nhà trường triển khai nhiều biện pháp để hạn chế dần tình trạng này như đổi mới phương pháp dạy học; hạn chế tình trạng đọc - chép, học thuộc lòng kiến thức một cách máy móc; thay đổi cách kiểm tra, đánh giá HS; điều chỉnh cách ra đề theo hướng mở, gắn yêu cầu thực hành với kiểm tra kiến thức lý thuyết... Môn lịch sử cũng được chú trọng hơn sau nhiều năm rơi vào tình trạng không thi là không học.
Sự bứt phá về kết quả đỗ tốt nghiệp THPT của nhiều địa phương trong vài năm trở lại đây không khiến dư luận xã hội tin tưởng, vui mừng về một nền giáo dục có chất lượng hơn, mà ngược lại, khiến nhiều người lo ngại. Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc nên bỏ thi tốt nghiệp THPT vì nhiều trường đỗ 100%, cả nước đỗ 98% thì không cần thiết phải thi nữa. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải nhằm đánh trượt HS. Hiệu quả của kỳ thi là ở chỗ nó có đánh giá sát với chất lượng học tập của HS hay không và những tác động trở lại của kỳ thi với việc việc dạy - học, thi năm sau.
Thực tế những năm qua cho thấy, kết quả thi không phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông là do việc tổ chức thi thiếu nghiêm túc, chưa loại bỏ được căn bệnh thành tích vốn tồn tại dai dẳng.
Bắt đầu từ đâu?
Những lý do khiến cho kết quả kỳ thi thiếu thực chất như đã nói ở trên được các cấp quản lý ngành GD-ĐT và các thầy, cô giáo nhìn ra và không ít lần "hạ quyết tâm" đẩy lùi. Một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội từng đau xót cho biết, sau 38 năm công tác trong ngành, chưa có kỳ thi nào làm thật như năm 2007- năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động Hai không (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục). Và sau kỳ thi ấy, việc dạy - học ở các nhà trường cũng có chiều hướng tiến bộ hẳn. Thực tế cũng cho thấy, việc tổ chức thi nghiêm túc để tiến tới tổ chức dạy - học thực chất không phải quá khó. Vấn đề là ở chỗ các cấp quản lý có thực sự, quyết tâm hay không. Đơn cử như kỳ thi tuyển sinh ĐH ít xảy ra tiêu cực như thi tốt nghiệp, trong khi cũng huy động hàng nghìn giáo viên, thậm chí cả sinh viên coi thi.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đã học là phải kiểm tra, phải thi thì mới đánh giá được chất lượng dạy và học. Chỉ có điều ngành GD-ĐT phải tổ chức kiểm tra, đánh giá và tổ chức thi thế nào cho khoa học, phù hợp với thực tế. Vấn đề quan trọng đầu tiên là phải làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội về việc dạy - học và thi cử. Việc khắc phục bệnh thành tích, điều chỉnh cách dạy - học phải được coi là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, chứ không phải chỉ của riêng ngành GD-ĐT. Tuy nhiên, người học phải chủ động trước. HS không chịu học, chỉ chờ xin điểm, chờ quay cóp thì thầy có giỏi mấy cũng không thể nâng chất lượng giáo dục. Nếu thi cuối kỳ, cuối năm không đủ điểm, HS phải chấp nhận học lại. Tuy nhiên, kỹ năng tự học của HS hiện nay đều rất yếu, vì vậy các thầy, cô giáo cần kiên trì giúp các em có hứng thú với việc học, có phương pháp học chứ không chỉ làm một việc là truyền đạt kiến thức.
Về việc tổ chức thi, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng Bộ GD-ĐT có thể đưa ra tiêu chuẩn HS học xong lớp 12, không nghỉ học quá 45 ngày, điểm trung bình các môn không môn nào dưới 3,5 thì được thi tốt nghiệp THPT để nhận bằng. Mỗi HS sau khi thi sẽ được phát phiếu điểm, ghi rõ điểm thi các môn tốt nghiệp THPT. Các trường ĐH chỉ lấy những HS có điểm thi trung bình các môn từ 5 trở lên để xét tuyển; trường CĐ xét điểm trung bình từ 4 hoặc 3,5 điểm trở lên. Những HS có điểm kém phải vào trường nghề. Tùy theo đặc thù, mỗi trường ĐH, CĐ lại đưa ra những yêu cầu cụ thể để sát hạch. Việc tổ chức thi tốt nghiệp cũng cần được phân cấp mạnh hơn cho cơ sở, không nhất thiết phải thi theo cụm trường hoặc đổi chéo giám thị. Các trường phải đầu tư camera để giám sát phòng thi, gửi bài thi kèm băng ghi hình cho hội đồng chấm. Như vậy sẽ bớt phức tạp và hiệu quả hơn so với việc cho HS mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi như dự kiến của Bộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.