(HNM) - Học sinh (HS) ngày nay phải chịu áp lực rất lớn, từ việc bố mẹ ép phải học nhiều để "nở mày nở mặt", đến nhà trường muốn trò giỏi để rạng danh, dòng họ muốn con cháu giỏi giang, thành đạt. Chính những điều này đã làm nảy sinh nhiều vấn đề tâm lý phức tạp trong HS. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với PGS, TS Phan Thị Mai Hương, Viện Tâm lý học xoay quanh vấn đề trên.
- Được biết, mới đây, Viện Tâm lý học có một nghiên cứu về những vấn đề tâm lý nổi cộm của HS hiện nay. Bà có thể chia sẻ một vài thông tin?
- Trước hết phải nói đến tình trạng học quá tải. Tình trạng này làm cho các em lo âu khi đến lớp, chán học, mất động cơ học tập. Quá tải cũng khiến cho các em không có thời gian vui chơi nên dẫn đến mất cân bằng tâm lý. Vấn đề thứ hai là thiếu động cơ để học tập. Nếu như áp lực về quá tải dành cho tất cả HS thì việc thiếu động lực học tập chỉ xuất hiện ở một bộ phận HS, tuy nhiên bộ phận này không nhỏ. Các em không có hứng thú học tập, học như là bị học. Với những em như vậy thì khả năng tiếp thu không tốt. Hệ quả là học tập không tốt, đi học thì quay cóp, không hoàn thành các nhiệm vụ học tập.
Tình trạng học quá tải cũng là một nguyên nhân dẫn đến học sinh lo âu, chán nản, mất cân bằng tâm lý. Ảnh: Bảo Lâm |
Một vấn đề nổi cộm nữa của HS là các bệnh tâm lý như rối loạn cảm xúc, lo âu, rối loạn hành vi như tăng động, giảm chú ý hoặc là một số vấn đề liên quan đến rối loạn hành vi như trộm cắp, nghiện hút, bạo lực gia tăng. Khảo sát về hành vi bạo lực ở hai trường phổ thông ngoại thành Hà Nội cho thấy, tỷ lệ trẻ có những hành vi bạo lực là 15-20%, trong đó các hành vi như nói xấu bạn, lôi kéo bạn về phía mình để xa lánh bạn khác, gây tổn thương về tinh thần cho bạn khác rất phổ biến.
Vấn đề nữa là mối quan hệ của HS với đồng tiền. Vừa qua, Viện Tâm lý có làm một cuộc khảo sát xem các em tiêu tiền thế nào và đánh giá giá trị của đồng tiền ra sao thì thấy là hầu như các em bây giờ có nhận thức tương đối lệch lạc về giá trị đồng tiền. Ví dụ, không ít em coi có tiền là có tất cả, mua được mọi thứ, kể cả hạnh phúc và tình yêu. Bên cạnh đó, khái niệm kiếm tiền còn rất mờ nhạt kể cả HS đã học tới lớp 11, 12. Điều đáng nói, các em không có khái niệm kiếm tiền nhưng tiêu tiền thì rất giỏi. Các em có thể tiêu mà không tính đến số tiền mà mình có. Thiếu tiền, các em đi vay chứ không bao giờ nghĩ rằng mình chỉ được chi tiêu trong số tiền mình có thôi. Điều cần nhấn mạnh là các em chưa làm ra tiền nhưng tiêu tiền rất hoang. Điều này tạo nên một giá trị không tốt trong mối quan hệ với đồng tiền.
- Điều gì ảnh hưởng những vấn đề tâm lý tiêu cực của HS, thưa bà?
- Cái ảnh hưởng lớn nhất là từ gia đình. Từ cha mẹ giáo dục con như thế nào, cách cha mẹ quan hệ với con, kiến thức của cha mẹ về việc giáo dục con ra sao. Trong nhiều nghiên cứu, số thời gian cha mẹ làm việc để kiếm tiền chiếm thời lượng rất lớn. Công nhân 12 tiếng/ngày. Cán bộ cũng vậy. Họ không có thời gian để chuyện trò với con. Khi chúng tôi hỏi, một ngày họ dành bao nhiêu phút để nói chuyện với con thì nhiều người lắc đầu, thời gian thực sự để họ nói chuyện với con phải tính theo tháng. Bởi lẽ hằng ngày chỉ có thời gian chăm sóc về mặt dinh dưỡng, nhắc nhở học tập mà thôi.
Một ảnh hưởng khác là từ nhà trường. Nhà trường dạy kiến thức nhiều hơn là dạy làm người. Bên cạnh đó thì xã hội quá bất an. Ví dụ, phụ huynh không dám cho con đi chơi một mình, vì lo nào là an toàn giao thông, lo bạn xấu, lo bị bắt nạt. Bất an khiến người ta luôn phải kiểm soát trẻ và trẻ cảm thấy mình mất tự do.
- Những vấn đề tâm lý ảnh hưởng thế nào đến học tập và phát triển nhân cách của HS?
- Trẻ có vấn đề về mặt tâm lý thì không thể tập trung cho học tập do đó không thể đạt kết quả tốt. Ngoài ra nó cũng khiến quan hệ của trò đó với bạn, thầy, cô không tốt. Đặc biệt với trẻ tăng động, bản thân đứa trẻ không học, nó còn quấy phá làm bạn khác không học được. Với các em có nhận thức lệch lạc thì nhân cách cũng phát triển không toàn diện. Ví dụ khi các em không biết cách tiêu tiền, có lúc trẻ sẽ gặp phải tình huống như vay tiền bạn để tiêu quá đi mà không biết lấy nguồn đâu ra trả, có thể sẽ phải lấy của bố mẹ để bù đắp vào chỗ đó. Hay khi coi đồng tiền có một giá trị lớn trên tất cả những thứ khác thì sau này lớn lên, nó có thể chỉ nhìn thấy giá trị của tiền mà thôi chứ không nhìn thấy các giá trị khác.
- Giải pháp để hạn chế những vấn đề tâm lý tiêu cực là gì, thưa bà?
- Giải pháp phải đồng bộ vừa xã hội, vừa giáo dục, vừa tâm lý. Ví dụ, trong những trường hợp các cá nhân mất động lực học tập, về mặt tâm lý, người ta có những trị liệu làm cho các em thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi đối với động cơ học tập của mình. Về mặt xã hội, thầy phải thay đổi cách dạy đối với trò, tạo dựng môi trường trong lớp học thế nào để có thể gắn kết được các em với môi trường giáo dục.
- Xin cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.