Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạn chế suy thoái môi trường ở Hà Nội: Cần chiến lược tổng thể

Tuấn Lương| 04/12/2010 07:54

(HNM) - Ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng với Hà Nội, nhất là ô nhiễm không khí và nguồn nước. Nhằm hạn chế tình trạng này, UBND TP và các sở, ngành, quận, huyện đang triển khai hàng loạt giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm, như cải tạo hệ thống sông hồ...

Trạm xử lý nước thải Nam Sơn. Ảnh: Bá Hoạt


Chất lượng môi trường suy thoái
Theo nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), môi trường không khí ở Hà Nội chịu tác động chủ yếu của các hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề thủ công với công nghệ lạc hậu; chất lượng các phương tiện giao thông cơ giới chưa cao và chưa được kiểm soát chặt chẽ về khí thải. Bên cạnh đó, tiến độ thi công các công trình giao thông và khu đô thị mới trên địa bàn quá chậm cũng là nguyên nhân phát sinh bụi, gây ô nhiễm môi trường. Ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, chất lượng môi trường không khí của TP đã có biểu hiện suy thoái, nhất là ở các khu vực nội thành. Nồng độ các chất khí gây ô nhiễm tăng dần và nhiều khu vực đã vượt tiêu chuẩn cho phép. Về môi trường nước, chất lượng nước 4 sông thoát nước chính của TP và các kênh mương tiêu thoát, cống ngầm đang bị ô nhiễm nặng. Hiện, toàn TP mới có 4 trạm xử lý nước thải tập trung, xử lý được 3-5% tổng lượng nước thải đô thị. Còn lại hầu hết nước thải chảy vào hệ thống mương sông đều chưa qua xử lý. Phần lớn trên địa bàn đang phải gánh chịu hiện tượng đổ đất lấn chiếm và vứt rác xuống hồ gây ô nhiễm và làm thu hẹp diện tích mặt hồ.

Tại hội nghị về BVMT vừa được Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 29-11, đại diện Ban Tuyên giáo Quận ủy Hà Đông cho biết, có hai con sông Nhuệ và Đáy chảy qua địa bàn quận Hà Đông đều ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là hầu hết các làng nghề và một số nhà máy không có hệ thống xử lý nước thải và xả thải trực tiếp ra sông. Đại diện Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thường Tín cho biết, trên địa bàn huyện có 6 làng nghề thường xuyên gây ô nhiễm môi trường, gồm làng xương sừng Thụy Ứng, điêu khắc Hiền Giang, tiện Nhị Khê, sơn mài Duyên Thái, mây tre đan Ninh Sở và đồ gỗ Vạn Điểm. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, huyện đã quy hoạch và xây dựng 4 điểm công nghiệp làng nghề tập trung để phục vụ di dời sản xuất ra khỏi khu dân cư với diện tích 36ha, đáp ứng cho 365 hộ. Tuy nhiên, do công tác quản lý còn yếu nên tình trạng xả nước thải, rác thải bừa bãi vẫn tiếp diễn...

Cần nâng cao nhận thức về BVMT
Để hạn chế suy thoái môi trường, theo Phó Giám đốc Sở TN-MT Phạm Văn Khánh, cần sớm triển khai các giải pháp đồng bộ và cụ thể. Thời gian tới, TP sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về BVMT trong cộng đồng và công bố công khai những tổ chức, DN gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng như hình thức xử lý. Sở kiến nghị TP không phê duyệt những dự án đầu tư tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ đầu tư ngay từ quá trình xây dựng, thi công cho đến vận hành của dự án.

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án xử lý nước, rác thải, TP cần sớm xây dựng cơ chế khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia BVMT; tăng cường sự giám sát của cộng đồng, các đoàn thể đối với việc BVMT của các DN, tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng và thực hiện các cam kết về BVMT, thường xuyên phát động chiến dịch làm sạch môi trường. Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Ba Đình nhấn mạnh, cần tăng cường quản lý nhà nước về BVMT thông qua các hoạt động thanh, kiểm tra nguồn nước thải của các cơ sở kinh doanh dịch vụ và xử phạt nặng vi phạm. Cùng với thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác BVMT, TP cũng nên tăng cường cán bộ có trình độ chuyên ngành về môi trường cho cấp quận và phường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế suy thoái môi trường ở Hà Nội: Cần chiến lược tổng thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.