(HNM) - Khu vực giáp ranh với TP Hồ Chí Minh có tới 6 tỉnh gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước xuất hiện bệnh lở mồm long móng (LMLM), riêng Tiền Giang đã công bố dịch trên phạm vi toàn tỉnh. Nguy cơ lây lan dịch bệnh đã hiện hữu.
Lợn bệnh bao vây thị trường thành phố
Những ngày qua, lực lượng thú y TP Hồ Chí Minh đã phát hiện và tiêu hủy một lượng lớn lợn bị bệnh LMLM từ các tỉnh khác đưa vào thành phố tiêu thụ. Theo ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 2 đến nay, lực lượng thú y đã phát hiện và tiêu hủy 19 lô hàng, với 224 con lợn bị bệnh LMLM. Số lợn này được phát hiện tại 5 cơ sở giết mổ gồm cơ sở giết mổ trung tâm quận 12, cơ sở giết mổ trung tâm quận Bình Tân, trung tâm giết mổ An Hạ (huyện Củ Chi), cơ sở giết mổ Phong Phú (huyện Bình Chánh) và cơ sở giết mổ trung tâm huyện Hóc Môn, có nguồn gốc chủ yếu ở Tiền Giang, Đồng Nai, Bến Tre, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều đáng nói trong số 19 lô hàng phát hiện bị bệnh LMLM, có đến 17 lô có giấy kiểm dịch được phép vận chuyển tiêu thụ! Về điều này, ông Phan Xuân Thảo cho biết, những ngày đầu gia súc bị virút tấn công, bằng mắt thường không thể nào phát hiện được, phải đến ngày thứ 5 trở đi mới xuất hiện những mụn nước, dấu hiệu đầu tiên của dịch. Do vậy, ngành thú y không phát hiện được những con lợn mới bị virút tấn công, nên vẫn cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.
Kiểm soát chặt các xe chở gia súc. |
Để khắc phục tình trạng trên, ngành thú y TP Hồ Chí Minh đã ký kết biên bản thỏa thuận với chi cục thú y các tỉnh, thành phố phía Nam, không cấp giấy kiểm dịch cho tất cả các loại gia súc nằm trong vùng công bố dịch. Những lô hàng gia súc được cấp giấy kiểm dịch đưa vào thành phố, chi cục thú y địa phương đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, nếu phát hiện có dịch bệnh. Người chăn nuôi trên địa bàn sẽ được hỗ trợ 100% chi phí tiêm phòng cho đàn trâu, bò và 50% chi phí tiêm phòng cho đàn lợn. Toàn bộ đàn lợn và trâu, bò ở thành phố sẽ được tổ chức tiêm phòng 6 tháng/lần. Việc tổ chức tiêm phòng miễn phí, hỗ trợ tiêm phòng trên toàn bộ đàn gia súc sẽ giảm thiểu nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Đó cũng là lý do, vì sao đến nay tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa phát hiện đàn gia súc nào bị bệnh LMLM!
Ngừng nhập gia súc ở các địa phương có dịch
Trước tình hình dịch LMLM diễn biến phức tạp, nhất là lợn bị bệnh đã được "tuồn" vào thành phố tiêu thụ, UBND TP Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị về việc đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch gia súc, gia cầm. Theo đó, thành phố yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo các xã, phường, khu dân cư và các hộ gia đình thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch bệnh, quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi gia súc trên địa bàn. Đồng thời tăng cường hoạt động của hệ thống giám sát dịch bệnh thú y đến từng hộ, trại chăn nuôi, nhất là các khu vực chăn nuôi lợn của các hộ nhập cư và các hộ dân không bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y và an toàn sinh học. Chỉ thị của UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu đoàn kiểm tra liên ngành các địa phương, tăng cường kiểm tra tình hình kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm. Chỉ đạo ban quản lý chợ phối hợp với cơ quan thú y, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm, bảo đảm thực phẩm kinh doanh tại chợ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh gia súc, sản phẩm gia súc chưa qua kiểm dịch thú y; không để xảy ra các trường hợp giết mổ trái phép trên địa bàn.
Theo ông Phan Xuân Thảo, trước mắt TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện kiểm soát chặt chẽ nguồn gia súc từ các địa phương khác vào. Đối với các tuyến đường tỉnh lộ, các cửa ngõ ra vào thành phố và vùng giáp ranh với các tỉnh được giao cho lực lượng kiểm tra liên ngành các quận, huyện chủ động kiểm soát; còn các tuyến quốc lộ dẫn từ các tỉnh lân cận vào thành phố sẽ do các đoàn kiểm tra liên ngành thành phố chịu trách nhiệm. "Lực lượng thú y TP sẽ tuân thủ nghiêm quy trình kiểm dịch tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, thực hiện tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc vào thành phố. Chủ động tạm ngưng nhập nguồn gia súc của các tỉnh, thành phố có dịch LMLM hoặc có dấu hiệu bệnh vào các cơ sở giết mổ trong thành phố, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xâm nhập mầm bệnh, bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng" - ông Phan Xuân Thảo cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.