Sức khỏe

Hạn chế dịch đau mắt đỏ: Tuân thủ, thực hiện đúng các biện pháp phòng bệnh

Thu Trang 18/09/2023 - 06:42

Hiện nay, tại thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trên cả nước đang xuất hiện dịch đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc cấp). Đây là bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh.

Trong gia đình hay trong lớp học chỉ cần một người mắc bệnh là các thành viên còn lại cũng dễ bị lây nhiễm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, nếu người dân tuân thủ và thực hiện đúng các biện pháp phòng bệnh thì dịch đau mắt đỏ sẽ không còn đáng sợ.

dau-mat-do.jpg
Thăm khám cho bệnh nhân đau mắt đỏ tại Khoa Mắt (Bệnh viện Hữu nghị).

Tránh bệnh nặng, biến chứng…

Tất cả 6 thành viên trong gia đình chị Hoàng Ngọc Diệp (27 tuổi ở quận Long Biên, Hà Nội) đều bị đau mắt đỏ. Chị Diệp chia sẻ: “Khi đón con gái ở trường mầm non về nhà, tôi phát hiện một bên mắt của cháu bị đỏ, có gỉ… Đưa con đến bệnh viện khám, bác sĩ cho biết, con bị đau mắt đỏ và phải nghỉ học cách ly ở nhà. Sau đó, đến lượt hai vợ chồng tôi cũng bị đau mắt đỏ. Một vài ngày sau, 3 người còn lại trong gia đình là bố, mẹ chồng và em trai chồng tôi cũng bị đau mắt đỏ”.

Từ tháng 8-2023 đến nay, dịch đau mắt đỏ tăng nhanh tại thành phố Hà Nội. Thời gian gần đây, Bệnh viện Mắt trung ương ghi nhận trung bình khoảng 700 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám mỗi tuần. Riêng tuần qua, bệnh viện tiếp nhận 800 ca bệnh, trong đó có một số ca biến chứng. So với tháng 6-2023, số bệnh nhân đến khám trong tháng 8 và đầu tháng 9-2023 tăng gấp gần 2 lần. Trong đó có nhiều trẻ đau mắt đỏ được bố, mẹ đưa đến khám. Trẻ đau một bên, rồi hai bên mắt sưng húp, khiến các gia đình rất lo lắng.

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương cho biết, đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc cấp) là bệnh lý theo mùa, gây dịch quy mô nhỏ kiểu liên gia đình, thường do nhóm vi rút adeno gây ra. Một số chủng vi rút khác cũng có thể gây ra đau mắt đỏ cùng kiểu diễn biến và triệu chứng lâm sàng như entero, coxsackie…

Với những người có biến chứng, bệnh lâu khỏi hơn bình thường, tuy chỉ chiếm khoảng 10-20%. “Khi trẻ nhỏ bị đau mắt đỏ không được vắt sữa, nhỏ nước chanh vào mắt trẻ. Việc làm này khiến bệnh không đỡ và rất dễ trở thành bội nhiễm. Ngoài ra, không được chữa đau mắt đỏ bằng việc xông mắt bằng lá trầu không. Bởi khi xông mắt bằng nước nóng lại thêm lá có tinh dầu (trầu không, bạc hà) khiến mắt dễ bị bỏng, viêm tấy lan rộng, nhiều biến chứng hơn. Đặc biệt, khi mắc bệnh, người dân không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt tùy tiện. Nếu dùng không đúng cách sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn, thậm chí loét giác mạc, ảnh hưởng thị lực”, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Cương nhấn mạnh.

Tương tự, những ngày gần đây, Khoa Mắt của Bệnh viện Hữu nghị cũng tiếp nhận rất nhiều ca đau mắt đỏ, trong đó có những trường hợp tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc mắt có chứa corticoid về dùng và phải nhập viện trong tình trạng nặng. Đơn cử như bệnh nhân N.V.M (55 tuổi ở Hà Nội) đến khám trong tình trạng mắt đau, kết mạc đỏ, không mở được. Kết quả khám và xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị loét giác mạc tương đối nặng, được chỉ định can thiệp phẫu thuật. May mắn sau khi điều trị, người bệnh hồi phục tích cực. Trước đó, khi thấy dấu hiệu đỏ mắt, người bệnh tự mua thuốc kháng sinh về dùng. Thấy bệnh không đỡ, người này còn tự ý nhỏ thuốc mắt có chứa corticoid.

Trực tiếp điều trị cho ca bệnh này, bác sĩ Lê Việt Cường, phụ trách Khoa Mắt (Bệnh viện Hữu nghị) cho biết, việc bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid mà không có đơn của bác sĩ rất nguy hiểm. Thuốc corticoid có thể giúp giảm đau, giảm các kích thích. Thế nhưng, khi chẩn đoán sai, nhận diện sai bệnh như với trường hợp loét giác mạc mà dùng thuốc corticoid có thể khiến tình trạng loét nặng hơn...

Biện pháp không bị lây nhiễm bệnh

Theo các bác sĩ nhãn khoa, đa phần với diễn biến bệnh đau mắt đỏ chỉ cần nhỏ nước muối sinh lý thông thường thì sẽ khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, đây cũng là thời gian ủ bệnh và lây nhiễm. “Không dễ đến mức chỉ nhìn thấy nhau cũng lây đau mắt đỏ nhưng khi mắt đầy vi rút dây ra tay. Sau đó, từ tay người bệnh lan ra các đồ vật, người khác cầm nắm đồ vật ấy lại dính ra tay rồi đưa lên mắt mình… Cứ như vậy, từ nhà ra phố, nơi thang máy siêu thị hay nơi làm việc, chưa kể nói chuyện cự ly gần, ôm hôn, quan hệ vợ chồng… cũng gây nhiễm bệnh”, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Cương phân tích.

Các bác sĩ cũng cho rằng, thực tế không phải ai cũng bị bệnh đau mắt đỏ và khi bị bệnh đều phải đến bệnh viện. Với nhiều người, đặc biệt là những người lây nhiễm sau cùng trong chuỗi lây nhiễm, bệnh chỉ thoáng qua, chưa kịp dùng thuốc đã khỏi. Còn với những trường hợp có biến chứng nên được điều trị ở cơ sở y tế chuyên khoa. Mặc dù, thuốc điều trị đau mắt đỏ hiện nay rất tốt nhưng vẫn ghi nhận trường hợp có để lại di chứng như: Sẹo giác mạc, khô mắt, viêm giác mạc dưới biểu mô… gây giảm thị lực ít nhiều.

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Cương cho rằng, với những trường hợp sau 7 ngày vẫn còn bệnh, kèm theo hiện tượng: Chói mắt, nhìn mờ, chảy nước mắt nhiều đều bị coi là bất thường, cần đi khám mắt để được điều trị kịp thời. Riêng với trẻ em có kèm ho sốt, quấy khóc, khó mở mắt, viêm hô hấp, chảy máu mắt, có giả mạc… cần được chăm sóc chuyên khoa sâu bằng bóc giả mạc, để bệnh nhanh khỏi hơn.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc trong môi trường đậm đặc người bị đau mắt đỏ xung quanh nhưng chưa nhiễm bệnh, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Cương khuyến cáo, rửa tay nhiều lần bằng xà phòng hay nước rửa tay chuyên dụng, kiên trì đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nguồn bệnh, rửa mắt buổi sáng và khi đi làm về, sát trùng đều đặn dụng cụ khám mắt… thì dịch bệnh đau mắt đỏ năm nay sẽ không còn đáng sợ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế dịch đau mắt đỏ: Tuân thủ, thực hiện đúng các biện pháp phòng bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.