Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai vấn đề “nóng”: Thiếu vắc xin và giấu dịch

Quỳnh Dung| 22/02/2012 07:13

Địa phương giấu dịch sẽ bị xử lý nghiêm (HNM) - Hiện dịch cúm gia cầm (DCGC) đang diễn biến phức tạp do thời tiết thay đổi bất thường làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm, trong khi đó Việt Nam vẫn chưa có vắc xin phù hợp để ngăn ngừa chủng virút H5N1 mới.


Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, tính đến ngày 21-2, cả nước còn 9 tỉnh Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Trị, Hà Nam, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh có DCGC chưa qua 21 ngày. Ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Cục Thú y nhận định: Mặc dù đến thời điểm này dịch DCGC có dấu hiệu giảm so với đầu tháng 2, nhưng nguy cơ bùng phát trên diện rộng là rất lớn. Nguyên nhân chính là do thời tiết thay đổi bất thường đã làm giảm sức đề kháng của gia cầm. Trong khi đó, từ cuối năm 2003 đến nay, virút cúm H5N1 đã có nhiều biến đổi, sinh ra chủng mới nguy hiểm hơn là C2.3.2 nhóm A và nhóm B mà chủng virút này Việt Nam chưa tìm ra loại vắc xin phù hợp để tiêm. Do không có vắc xin thích hợp, từ tháng10-2011 đến nay Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ xem xét lại việc tạm dừng tiêm vắc xin H5N1 Re-1 trên diện rộng thuộc chương trình tiêm phòng của Nhà nước đối với đàn gia cầm ở các tỉnh phía Bắc. Hiện có tới 70-80% đàn gia cầm không được tiêm phòng do thiếu vắc xin, số còn lại được tiêm vắc xin cũ H5N1 cho thấy hiệu quả phòng chống dịch không cao. Sau khi tạm dừng tiêm vắc xin, từ đầu năm 2012 đến nay dịch đã tái phát ở nhiều tỉnh, thành. Năm 2012, tính toán nhu cầu sử dụng vắc xin H5N1 chủng Re-5 của cả nước lên tới 327 triệu liều, trong khi đó nguồn dự trữ quốc gia chỉ còn 6 triệu liều. Do đó nếu không nhập khẩu sẽ không có vắc xin để tiêm phòng chống dịch. Ngoài ra, do DCGC đang bùng phát, nếu tổ chức đấu thầu rộng rãi sẽ mất hơn 2 tháng, dẫn đến khó kiểm soát dịch bệnh. Trước diễn biến này Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mua 50 triệu liều vắc xin H5N1 theo hình thức mua trực tiếp để rút ngắn thời gian nhằm phục vụ tiêm phòng đợt 1 năm 2012.


Tiêm vắc xin cúm gia cầm cho một trang trại tại thị trấn An Dương (Hải Phòng). 
Ảnh: Huy Hùng

Ông Nguyễn Tiến Không, Phó Viện trưởng Viện Thú y giải thích, khi các địa phương xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ, cơ quan thú y vùng lấy mẫu xét nghiệm, nếu kết quả dương tính với virút cúm H5N1 thì bắt buộc chính quyền sở tại phải công bố dịch vì đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật. Nhưng thực tế một số địa phương có tư tưởng giấu dịch, sợ mất uy tín của địa phương, sợ thiệt hại cho dân, sợ ảnh hưởng đến sản xuất, thương mại, du lịch… Đây là quan điểm cũ, không phù hợp tinh thần chống dịch hiện nay của Bộ NN&PTNT. Mới đây, tỉnh Thái Nguyên, mặc dù báo là đã qua 20 ngày không phát sinh ổ dịch mới, nhưng sau đó dịch xảy ra ở xã Thanh Ninh huyện Phú Bình, cơ quan thú y lấy mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với virút cúm H5N1, theo quy định địa phương phải công bố dịch. Do đó, Bộ NN&PTNT nghiêm cấm việc giấu dịch và nếu phát hiện địa phương nào giấu dịch cần xử lý nghiêm theo Pháp lệnh Thú y.

Hà Nội quyết liệt phòng chống dịch

Ông Cấn Xuân Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, từ cuối tháng 1 đến nay trên địa bàn TP Hà Nội đã xuất hiện gia cầm ốm chết tại một số nơi được xác định là do bệnh Newcaslte, Gumboro, cầu trùng, dịch tả vịt… một vài ổ dịch xuất hiện nghi cúm gia cầm ở xã Thắng Lợi (Thường Tín). Các ổ dịch trên đã được Ban Thú y cơ sở phát hiện kịp thời, các cấp chính quyền chỉ đạo quyết liệt, nên đã khống chế không phát sinh thêm gia cầm ốm. Tuy nhiên, từ cuối tháng 2 đến tháng 3 nguy cơ tái phát DCGC là rất cao vì sức đề kháng của gia cầm giảm. Sau Tết các hộ chăn nuôi tái đàn mạnh, tỷ lệ gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin cúm chiếm tới hơn 70% tổng đàn, còn lại khoảng 30% số lượng đã tiêm nhưng gần hết thời gian miễn dịch. Do đó, để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, chi cục đã thành lập 4 đoàn kiểm tra đôn đốc công tác phòng chống dịch tại cơ sở. Từ ngày 16 đến 20-2, toàn TP đã phát động đợt tổng vệ sinh tiêu độc môi trường, vệ sinh chuồng trại, ngõ xóm. Hà Nội cũng đã cấp ngân sách đặt mua 7 triệu liều vắc xin về cung cấp cho các huyện tiêm phòng.

Trong khi chưa có vắc xin CGC phù hợp để tiêm phòng, chi cục chỉ đạo các trạm thú y hướng dẫn người chăn nuôi tiêm phòng cho đàn gia cầm các loại vắc xin thông thường như Newcaslte, Gumboro, đậu gà, dịch tả vịt… là những bệnh thường xảy ra trong vụ đông xuân để hạn chế dịch bệnh. Các địa phương phải chuẩn bị vật tư, phương tiện triển khai tiêm phòng đại trà vắc xin cúm gia cầm khi có vắc xin mới dự kiến trung tuần tháng 3-2012. Sau đợt tiêm phòng, chi cục sẽ lấy mẫu kiểm tra đánh giá hiệu quả tiêm phòng. Để tiêm phòng đạt tỷ lệ cao, các địa phương cần thông báo công khai chính sách hỗ trợ của TP để người chăn nuôi chủ động phối hợp tiêm phòng. Theo dõi quản lý chặt chẽ số gia cầm được tiêm phòng vắc xin nếu gia cầm thuộc đối tượng tiêm phòng mà chủ hộ không tiêm thì phải lập biên bản, nếu xảy ra dịch không được hỗ trợ thiệt hại làm lây lan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bên cạnh đó, chi cục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh xunh quanh kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm ra, vào Hà Nội qua 11 chốt kiểm dịch. Các trạm thú y phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giám sát thường xuyên đến tận hộ, trại chăn nuôi nhằm phát hiện sớm dịch bệnh và xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Sở NN&PTNT tổ chức kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt các cơ sở nhỏ lẻ, xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ sai quy định để ngăn ngừa dịch bệnh…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hai vấn đề “nóng”: Thiếu vắc xin và giấu dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.