(HNM)- Ngày 11-11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, UBND TP thảo luận về phương án giá đất năm 2011 và kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất chuẩn bị trình Kỳ họp thứ 22 HĐND TP diễn ra đầu tháng 12 tới. Nhiều nội dung
Giá đất chỉ tăng cục bộ
Giá đất thực tế tại Hà Nội liên tục biến động, các dịch vụ về bất động sản mọc lên càng nhiều. Ảnh: Bá Hoạt
Phương án giá đất áp dụng từ ngày 1-1-2011 do các sở, ngành chuẩn bị, được hầu hết các thành viên UBND TP đồng tình. TP dự định giữ nguyên mức giá đất ở cao nhất trong khu vực nội thành như năm 2010 là 81 triệu đồng/m2 (tại 3 tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lý Thái Tổ - quận Hoàn Kiếm). Mức giá tối thiểu là 2.340.000 đồng/m2 (tại đường 72, phường Dương Nội, Hà Đông). Về cơ bản, bảng giá đất năm 2011 dự kiến trình HĐND TP tại kỳ họp cuối năm nay không có khác biệt đột phá so với năm 2010, UBND TP chỉ thống nhất điều chỉnh cục bộ. Giá đất nông nghiệp được dự kiến giữ ổn định như năm 2010, nhưng có tách riêng phần đất lúa để tăng cường quản lý.
Theo tờ trình được liên ngành chuẩn bị, hơn 40 đường phố mới được đặt tên theo Quyết định 4116/QĐ-UBND ngày 26-8-2010 của UBND TP sẽ được bổ sung vào bảng giá đất ở, trên cơ sở giá của các đường, phố có vị trí, điều kiện tương đương. Giá đất ở tại các thị trấn của các huyện Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh, Đan Phượng, Thường Tín sẽ được căn cứ vào khung giá đất đô thị loại 5 của Chính phủ để điều chỉnh tăng 20% lên mức cao nhất là 8,040 triệu đồng/m2. Riêng thị trấn các huyện giáp ranh nội đô có mức đô thị hóa cao như Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì thì điều chỉnh theo hướng tiếp cận với các quận. Mức giá của các thị trấn này là từ 1.670.000 đồng/m2 đến 26.400.000 đồng/m2. Mức giá đất tại các phường của thị xã Sơn Tây cũng được điều chỉnh từ tối thiểu là 1.513.000 đồng/m2 đến tối đa là 15.600.000 đồng/m2.
Bảng giá đất khu vực giáp ranh thuộc huyện Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì cũng được tăng lên với mức tối thiểu là 2.035.000 đồng/m2 và tối đa là 31.200.000 đồng/m2. Giá đất ở khu vực đầu mối giao thông cũng được đề nghị điều chỉnh với mức vượt khung tối đa của Chính phủ là 5 lần giá đất ở nông thôn áp dụng cho khu vực này trên địa bàn các huyện Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai. Mức tối đa loại này là 11.250.000 đồng/m2. Giá đất khu vực đầu mối giao thông các huyện, thị xã còn lại cơ bản giữ nguyên. Giá đất ở khu dân cư nông thôn tại các huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh, Quốc Oai chỉ điều chỉnh cục bộ theo hướng tiếp cận với giá vượt khung của Chính phủ, còn lại cơ bản giữ nguyên. Đặc biệt, giá đất sản xuất phi nông nghiệp đã được các thành viên UBND TP đồng ý điều chỉnh theo hướng tăng lên với giá đất ở cùng vị trí, cùng đường phố hoặc cùng khu vực. Tuy nhiên, việc tăng lên bao nhiêu phần trăm, theo các thành viên UBND TP cần phải có lộ trình, chứ không thể đột ngột tăng lên bằng 70% được.
Cân đối nhu cầu sử dụng đất
Cùng ngày, UBND TP đã thảo luận về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015). Theo dự thảo tờ trình, trong cơ cấu các loạt đất quy hoạch đến năm 2020 đất nông nghiệp chiếm 45,59%. So với năm 2010, đất nông nghiệp giảm 36.821,13ha giảm nhiều nhất là đất trồng lúa với 22.806ha. Đất phi nông nghiệp tăng 43.982,25ha so với năm 2010, trong đó tăng nhiều nhất là đất phát triển hạ tầng với 20.805,78ha, đất giao thông 15.762,3ha, đất ở 8.299ha. Đáng chú ý, dự thảo tờ trình dành trên 6.000ha đất cho mục bãi thải, xử lý chất thải và đất nghĩa trang, nghĩa địa.
Thực hiện quy hoạch trên, TP dự định chuyển mục đích sử dụng 42.295,03ha, trong đó giai đoạn 2011-2015 sẽ chuyển đổi 14.729,62ha đất. Kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu 2011-2015 được dự kiến giảm 11.602,26ha đất nông nghiệp, còn 53,17% so với năm 2010, tăng 16.141,18ha đất phi nông nghiệp (so với năm 2010) nâng tỷ lệ loại đất này lên 45,39% diện tích tự nhiên. Đất chưa sử dụng đến năm 2015 còn 4.801,62ha, chiếm 1,44% diện tích tự nhiên.
Lãnh đạo TP Hà Nội đã phân tích và chỉ ra nhiều yêu cầu về quản lý, sử dụng đất đai mà tờ trình chưa thỏa mãn được. Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết, TP chủ trương ưu tiên phát triển hạ tầng, nên quỹ đất dành cho phát triển hệ thống giao thông cần được phân tích kỹ ra từng hạng mục, chứ không chỉ đưa ra tỷ lệ chung chung. Về quan điểm xử lý đất kẹt, ông đề nghị trong quy hoạch sử dụng đất phải làm rõ giải pháp sử dụng đất kẹt để làm các công trình hạ tầng xã hội như trường học, trạm xá, nhà văn hóa…
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định, mục tiêu và nguyên tắc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được làm rõ, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Cho rằng việc giảm 25% đất nông nghiệp trong vòng 10 năm tới là thông tin bất ngờ, chủ tịch TP yêu cầu các sở, ngành xem xét cẩn trọng, nhất là khi Hà Nội đang hướng tới "tiêu chí xanh" trong quy hoạch, cũng như yêu cầu về bảo đảm an ninh lương thực. Các chỉ số về đất dành cho giáo dục (khoảng 1.000ha), y tế (khoảng 900ha), thể thao (hơn 450ha) cũng chưa đáp ứng được chủ trương "rút đô thị lõi ra" hiện nay. Trong khi đất dành cho bãi thải, xử lý rác thải và đất nghĩa trang, nghĩa địa là quá lớn (trên 6.000ha). Cần phải tính toán việc ứng dụng khoa học công nghệ để tiết kiệm đất cho các mục đích này. Nhấn mạnh giải pháp thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mới là quan trọng nhất, chủ tịch yêu cầu các sở, ngành chuẩn bị kỹ nội dung này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.