(HNMO) - Ngày 18-5, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà chủ trì đoàn giám sát tại Sở Tài nguyên và Môi trường; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên chủ trì đoàn giám sát tại Sở Quy hoạch và Kiến trúc về việc thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC), xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, những năm qua, xác định đẩy mạnh CCHC là một trong hai khâu đột phá nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, Sở đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, đơn vị nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, thành phố và hướng dẫn của Sở Nội vụ về công tác CCHC, cải thiện và từng bước nâng cao chỉ số CCHC, SIPAS, PCI, PAPI... Chỉ số hài lòng (SIPAS) của Sở năm 2022 tăng 7 bậc so với năm 2021.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng thực hiện niêm yết công khai danh mục thủ tục hành chính, quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên môi trường; số điện thoại đường dây nóng, hòm thư góp ý; công khai, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính, các biểu mẫu, phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính tại bảng tin đặt tại vị trí dễ nhìn, dễ thấy tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Qua khảo sát cho thấy, 100% người dân, tổ chức hài lòng, rất hài lòng đối với sự phục vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Tại Sở Quy hoạch và Kiến trúc, báo cáo với đoàn giám sát, lãnh đạo Sở cho biết, thời gian qua, Sở cũng luôn xác định tầm quan trọng của CCHC, nên các văn bản của cấp trên về lĩnh vực này được Sở triển khai đồng bộ, thống nhất, tuân thủ quy định của pháp luật về thẩm quyền, trình tự, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước, các văn bản góp ý Luật… Vì thế, cải cách thủ tục hành chính có sự chuyển biến tích cực, việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" đi vào nền nếp. Hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Sở được đẩy mạnh; xếp hạng chỉ số CCHC năm 2022 đứng 17/22; chỉ số hài lòng năm 2022 xếp hạng 6/22.
Đáng lưu ý, Sở đã số hóa và cập nhật hệ thống phần mềm kho số hóa hơn 73.000 hồ sơ; qua đó việc mượn hồ sơ để giải quyết công việc của các phòng, ban cơ bản thực hiện hoàn toàn trên hệ thống, nâng cao thời gian, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức (thay vì phải mượn, khai thác hồ sơ giấy tại kho lưu trữ). Bên cạnh đó, Sở cũng chủ động tạo lập, lưu trữ các dữ liệu thô về lĩnh vực quy hoạch, xây dựng…
Kết luận buổi giám sát tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh, qua trao đổi cho thấy, công tác CCHC, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số của Sở Tài nguyên và Môi trường đã được quan tâm, chú trọng, góp phần tích cực trong giải quyết các nhiệm vụ của Sở. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chỉ số CCHC còn thấp, vì vậy, Sở cần rà soát, đánh giá lại việc phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện; công tác kiểm tra, siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính; chỉ số hài lòng của người dân; đánh giá cán bộ, công chức bộ phận tiếp nhận hồ sơ…
Kết luận buổi giám sát tại Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên đề nghị, Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn thiện báo cáo, cụ thể đối với các lĩnh vực Sở phụ trách, đặc biệt là nội dung liên quan đến các Đồ án quy hoạch, cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, trong đó lưu ý về chỉ số CCHC liên quan đến điểm về chỉ số đất đai...
Đồng chí Phạm Quí Tiên cũng đề nghị, Sở Quy hoạch và Kiến trúc phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ công tác CCHC, chuyển đổi số trong các lĩnh vực Sở phụ trách, từ đó đánh giá và tham mưu phù hợp thực tế; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm được, tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.