Trung thu năm 2023 sắp đến với không khí vui tươi, ễ hội và những món đồ chơi hiện đại, nhưng có hai người đàn ông trong căn nhà nhỏ ở quận 5 vẫn miệt mài làm những chiếc đèn trung thu bằng giấy bóng kính như xưa.
Họa sĩ trẻ Phạm Triết, năm nay 30 tuổi là giáo viên dạy môn Mỹ thuật của Trường THPT Lý Phong (quận 5), vốn yêu thích bộ môn vẽ và sáng tác tranh. Sinh ra và lớn lên giữa vùng Chợ Lớn sôi động, họa sĩ Phạm Triết từ nhỏ đã có ấn tượng đặc biệt với những đèn lồng trung thu làm bằng giấy bóng kính, một thời là món đồ chơi mơ ước của nhiều đứa trẻ.
Năm nay, sau khi biết tại đường Lò Siêu, phường 11, quận 6 có một nghệ nhân vẫn đam mê làm đèn lồng thủ công, anh đã đến thăm và có ấn tượng mạnh với những sản phẩm của người thợ thủ công Dương Ái Khôn. Ngắm những chiếc đèn, họa sĩ Phạm Triết chợt nảy ra ý định vẽ tranh lên những chiếc đèn lồng. Ý tưởng bất ngờ, nhưng nhận được sự cổ vũ của nhiều người.
Sản phẩm đầu tay của họa sĩ Phạm Triết là chiếc lồng đèn hình con bướm. Anh vẽ lên đó những đóa hoa mẫu đơn và hoa mai. Nhận được sự động viên, cổ vũ từ người thợ già Dương Ái Khôn, Phạm Triết vẽ tiếp trên những chiếc đèn khác những dòng chữ chúc mừng trung thu, cảnh trăng trên đầm sen…
Những chiếc lồng đèn đơn sơ dưới bàn tay tỉ mỉ của anh nay trở nên độc đáo và tinh tế, mang một vẻ đẹp đặc biệt, trở thành món quà tặng “độc bản” trong dịp trung thu năm nay.
Họa sĩ Phạm Triết chia sẻ: “Lồng đèn làm bằng giấy bóng kính là đồ chơi truyền thống, nhưng trẻ em ngày nay ít quan tâm đến. Nay, nếu việc vẽ tranh lên lồng đèn mang lại niềm thú vị và yêu thích mới của giới trẻ với đèn trung thu truyền thống, tôi sẽ rất vui và không ngại vẽ tặng mọi người trong dịp này”.
Nhận xét về niềm đam mê rất mới này của họa sĩ trẻ Phạm Triết, người thợ thủ công Dương Ái Khôn vốn vẫn giữ thói quen làm đèn lồng trung thu truyền thống từ suốt 30 năm qua, nói: “Nếu chúng ta vô thức, vô ý, những nét văn hóa đặc sắc xưa sẽ tự biến mất. Tôi rất mừng khi có một bạn trẻ như Phạm Triết lại yêu thích và muốn làm đẹp thêm thứ đồ chơi truyền thống này đến vậy”.
Hơn 30 năm qua, cứ mỗi dịp trung thu, căn nhà nhỏ của ông Dương Ái Khôn lại được treo đầy những chiếc đèn lồng làm từ giấy bóng kính dán trên khung nan tre. Ông là người hiếm hoi trong vùng Chợ Lớn còn theo đuổi nghề này. Người thợ thủ công năm nay 62 tuổi, nhưng vẫn khéo léo đan, dán và trang trí những chiếc đèn lồng, tạo nên những món đồ chơi đậm nét xưa.
“Lồng đèn là đồ chơi thú vị của trẻ em trong dịp Trung thu. Lồng đèn rất đa dạng, như đèn hạt mè, đèn vỏ trứng, đèn tre, đèn lúa, đèn vảy cá, đèn vỏ gạo, đèn hạt bí ngô và đèn cây hoa đẹp mắt. Những cây đèn tỏa sáng đêm rước dưới trăng rằm vốn làm xốn xang bao thế hệ trẻ em từ xưa đến nay. Có lúc, nó từng là món đồ xa xỉ với những trẻ em gia đình nghèo cả ở thành thị và nông thôn”, ông Dương Ái Khôn nói.
Đầu những năm 1990, cơ sở làm lồng đèn nơi ông Khôn làm việc phải đóng cửa vì khó khăn, ông đã quyết định tự mình tiếp tục chế tác những chiếc đèn giấy bóng kính vào dịp Trung thu. Với niềm đam mê riêng có, ông mày mò làm cả những mẫu đèn mới ngay tại căn nhà nhỏ của mình, vừa để cung ứng hàng cho khách quen của cửa hàng cũ, vừa thu hút thêm những khách mới. Từ đó, năm nào, món quà thủ công này của ông Khôn cũng rất “đắt khách”.
“Tôi chuẩn bị cho mùa Trung thu ngay từ sau Tết Nguyên đán bằng việc chẻ tre và xử lý, tạo khung đèn. Đến mùa hè, tôi làm và huy động bà con chòm xóm dán giấy bóng kính lên khung đèn, sau đó tự tay tôi thực hiện những phần trang trí tỉ mỉ cho từng cây đèn. Ban đầu, ba người con của tôi phụ giúp cha làm việc. Nhưng nay, chúng đã trưởng thành và có công việc riêng nên còn mình tôi giữ nghề. Dù mắt đã mờ hơn, tay đã chậm hơn đôi chút so với trước, nhưng tôi sẽ vẫn làm mãi công việc này khi còn có thể”, ông Dương Ái Khôn nói.
Mùa Trung thu năm nay, phố lồng đèn quận 5 đã lại tấp nập từ đầu tháng 8 âm lịch. Ba tuyến đường Phú Đinh – Lương Nhữ Học – Nguyễn Án nổi bật cả ngày lẫn đêm với những chiếc đèn lồng đỏ, với ánh điện bừng sáng mỗi gia hàng. Các dãy phố treo đủ loại lồng đèn lớn nhỏ, hiện đại và truyền thống, các loại đèn ngôi sao, đèn kéo quân, đèn ống, đèn lồng tròn, đèn hình thú tạo nét hấp dẫn riêng, thu hút nhiều người dân và du khách của thành phố Hồ Chí Minh.
Nơi đó, có sự góp mặt của những sản phẩm đặc biệt, kết tinh từ bàn tay, khối óc người thợ thủ công già yêu nghề Dương Ái Khôn; của người họa sĩ trẻ Phạm Triết. Nét xưa vẫn còn dược gìn giữ và lan tỏa đến ngày nay, để thế hệ trẻ biết, yêu và trân quý những tấm lòng giữ quá khứ cho tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.