Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai mối lo kinh niên

Minh Quang| 12/03/2017 07:07

(HNM) - Đại hội (ĐH) TDTT toàn quốc năm 2018 còn hơn một năm nữa mới diễn ra nhưng mục tiêu bảo vệ thành tích 1 HCB, 1 HCĐ của kỳ ĐH năm 2014 vẫn là thách thức đối với quần vợt Hà Nội, bởi lời giải bài toán nhân sự còn là ẩn số trong khi thiếu nhà đầu tư


Ba năm trước, ngay trên sân nhà, quần vợt Hà Nội đã bất ngờ giành 1 HCB (đôi nam Hoàng Thành Trung - Trịnh Linh Giang), 1 HCĐ (Trịnh Linh Giang nội dung đơn nam) tại ĐH TDTT toàn quốc năm 2014. Với nhiều môn thể thao ở Hà Nội, thành tích trên chưa đáng kể gì. Nhưng với một môn thể thao ít được xã hội hóa so với một số tỉnh, thành khác, thì đây là kết quả đáng khích lệ.

Ba năm sau, Hoàng Thành Trung đã đầu quân cho đội Công an nhân dân. Trong khi đó, dù đã từng ký hợp đồng với tay vợt Trịnh Linh Giang đến hết năm 2018 nhưng cuối cùng thể thao Hà Nội cũng phải chia tay tay vợt này. Đó là cuộc chia tay không mong đợi bởi quần vợt Hà Nội kỳ vọng rất nhiều vào Linh Giang - tay vợt trẻ có thể vươn đến vị trí số 2 trong làng quần vợt nam Việt Nam.

Cuộc chia tay này không vì lý do chuyên môn mà nằm ở cách ứng xử cũng như mong ước được đến một môi trường mới, nơi Linh Giang có thể tham dự nhiều giải quốc tế để tích điểm trên bảng xếp hạng quần vợt nam thế giới. Vì vậy, bộ môn quần vợt Hà Nội đã chấp nhận để Trịnh Linh Giang rời Hà Nội về đầu quân cho Bình Dương.

Không có Trịnh Linh Giang, quần vợt Hà Nội chỉ trông đợi vào Nguyễn Đắc Tiến, tay vợt trẻ được đánh giá là giàu tiềm năng. Tuy nhiên, mới 17 tuổi nên VĐV này chỉ trong nhóm cạnh tranh tấm HCĐ đơn nam ở Giải vô địch quốc gia cũng như ĐH TDTT toàn quốc tới. Hơn nữa, để tìm được tay vợt khác có thể đánh đôi với Nguyễn Đắc Tiến cũng không dễ. Những tay vợt trình độ cao ở Việt Nam đều đã có nơi có chốn. Còn lứa VĐV trẻ sau Nguyễn Đắc Tiến dù được huấn luyện bài bản bởi chuyên gia nước ngoài nhưng lại chưa kịp đáp ứng yêu cầu.

Một vấn đề khó trong công tác nhân sự của quần vợt Hà Nội hiện nay đó là việc giữ chân tay vợt Nguyễn Đắc Tiến để làm đầu tàu. Những yếu tố để giữ chân tài năng chính là tạo điều kiện để các tay vợt được tham dự nhiều giải quốc tế nhằm tích điểm trên bảng xếp hạng quần vợt nam thế giới. Gia đình của Đắc Tiến và nhiều tay vợt Hà Nội khác không đủ tiềm lực tài chính để đầu tư cho con như gia đình tay vợt Nguyễn Hoàng Thiên (từng đầu tư cả triệu USD để con tập huấn, thi đấu quốc tế). Hà Nội cũng không có một doanh nghiệp "chịu chơi" như đơn vị chủ quản của Lý Hoàng Nam (năm 2016 từng bỏ ra hơn 3 tỷ đồng để tổ chức 9 giải đấu cấp độ Men’s Futures nhằm tạo điều kiện giúp Lý Hoàng Nam tăng thứ hạng).

Chỉ riêng việc tìm nhà tài trợ giải thưởng (khoảng gần 1 tỷ đồng) để tổ chức chuỗi 3 giải đấu cấp độ Men’s Futures (cấp độ thấp nhất trong làng quần vợt chuyên nghiệp nam thế giới) đã quá khó với quần vợt Hà Nội. Đây cũng là yếu tố khiến Hà Nội vất vả giữ tài năng và chỉ hy vọng giữ người bằng sự đầu tư về HLV, tập huấn nước ngoài cũng như tận dụng quan hệ quốc tế để đưa VĐV dự giải quốc tế. Vậy nên, quần vợt Hà Nội vẫn gặp khó trong bài toán nhân sự, dù những người có trách nhiệm đang nỗ lực tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai mối lo kinh niên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.