(HNM) -
Thanh niên, học sinh tập làm chiến sĩ
Trồng và chăm sóc rau tại một “Học kỳ trong quân đội”.
Mô hình "Học kỳ trong quân đội" được TƯ Đoàn tổ chức thí điểm tại Trung tâm Thanh thiếu nhi (TTN) miền Nam năm học 2007-2008. Kết quả thu được đã khẳng định đây là mô hình mới, hiệu quả thực sự trong giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh cho thanh niên, học sinh trong tình hình mới. Đặc biệt, mô hình này có nhiều nội dung thích hợp, hấp dẫn học sinh trung học phổ thông và trung học cơ sở như tập điều lệnh quân đội, làm quen với vũ khí trang bị, tác phong quân đội, hoạt động dã ngoại... TƯ Đoàn đã chỉ đạo 3 trung tâm TTN Bắc, Trung, Nam phối hợp với các đơn vị quân đội, chiêu sinh các lớp "Học kỳ trong quân đội" đầu tiên và năm 2009, đã mở được 10 lớp, thu hút gần 1.000 thanh niên, học sinh tham gia. Năm 2010, TƯ Đoàn đã chỉ đạo nhân rộng mô hình này, mỗi tỉnh, thành đoàn có từ 1 đến 2 lớp.
Ông Vũ Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm TTN miền Bắc cho biết: "Ở học kỳ quân đội học sinh được tập và thực hành kỷ luật quân đội về giờ giấc sinh hoạt, điều lệnh đội ngũ, võ thuật, lao động tăng gia, thể thao. Giúp các em rèn kỹ năng thuyết trình trước đám đông, làm việc và vui chơi theo nhóm, giao lưu với thanh niên địa phương, với chiến sĩ quân đội. Ngoài ra, các em còn tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tặng quà gia đình chính sách và đi dã ngoại".
Anh Trần Thanh Lâm, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Đoàn cho biết: Cái được lớn nhất thông qua các lớp "Học kỳ trong quân đội" là giáo dục ý thức tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật, biết khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách. Đặc biệt là khoảng thời gian thoát ly những ham vui học sinh thường gặp ngoài chương trình chính khóa, được các bậc phụ huynh rất ủng hộ. Còn đối với tổ chức Đoàn, là biện pháp bồi dưỡng thêm tình yêu Tổ quốc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để triển khai hiệu quả hơn nữa công tác giáo dục quốc phòng - an ninh cho TTN thông qua mô hình "Học kỳ trong quân đội", đại diện Trung tâm TTN miền Bắc đã đề xuất, TƯ Đoàn và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm rõ nội dung, kiến thức cơ bản cần có trong các học kỳ quân đội. Quy định rõ những đơn vị LLVT được phép phối hợp tổ chức đào tạo học kỳ quân đội cũng như điều kiện và cơ chế phối hợp. Điều này nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết liên tịch giữa TƯ Đoàn và Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam về "Phát huy vai trò của tuổi trẻ tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 2009-2012".
Làng thanh niên lập nghiệp
Dự án "Làng thanh niên lập nghiệp" (TNLN) đã xuất hiện hơn 10 năm với 22 làng dọc đường Hồ Chí Minh, vùng biên giới và các xã đặc biệt khó khăn, 2 làng trên đảo Bạch Long Vĩ và Cồn Cỏ. Đến nay, đã huy động hơn 2.500 hộ gia đình trẻ là bộ đội hoàn thành nghĩa vụ quân sự, cán bộ Đoàn cơ sở, trí thức trẻ tình nguyện, đoàn viên, thanh niên tham gia xây dựng làng TNLN, tạo việc làm cho gần 5.000 lao động thường xuyên và gần 10.000 lao động thời vụ ở các địa bàn triển khai dự án.
Theo đánh giá của TƯ Đoàn, các hộ gia đình trẻ đều yên tâm đến các làng TNLN, bởi cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện, thủy lợi, nước sạch, công trình văn hóa, y tế được xây dựng đồng bộ. Nhờ các điều kiện tốt ban đầu, các làng TNLN đã khai thác hiệu quả 5.300ha đất, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả kết hợp chăn nuôi, hình thành hơn 2.000 trang trại trẻ. Không chỉ ổn định cuộc sống, đẩy mạnh sản xuất, 22 làng TNLN đã thành lập được 16 chi bộ đảng, 73 chi đoàn, đoàn cơ sở, 18 chi hội phụ nữ, 22 đội dân quân, 22 đội hình thanh niên tình nguyện xung kích, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tệ nạn xã hội, các âm mưu chia rẽ đoàn kết trên địa bàn.
Anh Tạ Văn Hạ, quyền Trưởng ban Thanh niên xung phong TƯ Đoàn cho biết: Đây là mô hình phát triển kinh tế, xã hội đa dạng do Đoàn Thanh niên thực hiện, đan xen nhiều mục tiêu, nguồn lực. Mô hình lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn làm thước đo hiệu quả. Không chỉ góp phần xóa điểm trắng về dân cư ở vùng biên giới, hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, thu hút thanh niên, nhân dân trong vùng làm theo, mà còn là tai mắt của LLVT, cấp ủy, chính quyền sở tại. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện xâm phạm an ninh biên giới, chủ quyền biển đảo và trật tự, an toàn xã hội.
Có thể khẳng định, làng TNLN có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội gắn với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để tiếp tục nhân rộng mô hình này ở các xã vùng biên, rất cần Nhà nước sớm ban hành chính sách đối với thanh niên xung phong giai đoạn hiện nay, tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương phát triển lực lượng xung kích phát triển kinh tế, xã hội ở những địa bàn, lĩnh vực đặc thù, để đội ngũ cán bộ trẻ yên tâm gắn bó lâu dài ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Hai mô hình, hai đối tượng khác nhau, nhưng đều có chung mục đích, và chắc chắn sẽ tiếp tục chung một ý chí, khát vọng của thanh niên trong sự nghiệp quốc phòng - an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.