(HNM) - Cùng với tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và xử phạt vi phạm, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông (LVS) Nhuệ - Đáy chỉ có hiệu quả nếu các tỉnh, TP trong LVS bắt tay nhau khắc phục những xung đột về lợi ích cục bộ; ưu tiên đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải, nước thải...
Kết quả chưa tương xứng
LVS Nhuệ - Đáy với tổng diện tích tự nhiên khoảng 7.665km2, thuộc địa phận 5 tỉnh, TP: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Hòa Bình, có vị trí đặc biệt và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng. Trung bình mỗi ngày, LVS tiếp nhận trên 2,55 triệu mét khối nước thải từ trồng trọt và chăn nuôi; 610 nghìn mét khối nước thải sinh hoạt; 636 nghìn mét khối nước thải công nghiệp và trên 15 nghìn mét khối nước thải bệnh viện... Với chế độ thủy văn đặc thù, LVS đang phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng.
Từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tổng thể BVMT LVS Nhuệ - Đáy, các tỉnh, TP trong LVS đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế ô nhiễm. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, Hà Nội đang triển khai lập quy hoạch và xây dựng một loạt dự án trọng điểm như trạm xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức), trạm xử lý nước thải Cụm công nghiệp vừa và nhỏ huyện Từ Liêm, trạm xử lý nước thải KCN Thạch Thất - Quốc Oai, KCN Phú Nghĩa, các nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Phú Đô… Hà Nội đã ký cam kết với tỉnh Hà Nam không mở đập Thanh Liệt trong mùa khô (từ ngày 15-10 năm trước tới ngày 15-4 năm sau) để giảm nguồn nước thải vào sông Nhuệ. Nước thải của Hà Nội sẽ được bơm ra sông Hồng qua trạm bơm Yên Sở.
Theo ông Nguyễn Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, đến thời điểm này, 60% lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã được xử lý; 1/3 số KCN có hệ thống xử lý nước thải, 2/3 còn lại đang xây dựng hệ thống xử lý.
Các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Nam Định cũng đã nỗ lực triển khai biện pháp để trả lại màu xanh trong cho nước sông.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý các đơn vị xả thải ra LVS. Qua đó, vi phạm đã có chiều hướng giảm. Trong số 43 đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đã có 31 đơn vị hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường; 2 đơn vị hoàn thành xây dựng công trình xử lý ô nhiễm; 10 đơn vị còn lại sẽ hoàn thành công trình trong năm 2010. Dù tất cả đã cố gắng, nhưng kết quả quan trắc cho thấy, các chỉ số ô nhiễm về môi trường nước, không khí vẫn đang vượt mức cho phép nhiều lần.
Lợi ích và trách nhiệm
Hàng loạt giải pháp đã được triển khai nhưng tại sao chất lượng môi trường tại LVS vẫn bị ô nhiễm? Đây là vấn đề được nêu ra tại hội nghị lần thứ II Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - Đáy vừa được tổ chức tại Hà Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Bùi Cách Tuyến, ô nhiễm môi trường là điều không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển KT-XH. Sự "va chạm" giữa các địa phương trong LVS về lợi ích kinh tế cũng như hậu quả môi trường là không tránh khỏi. Muốn giải quyết vấn đề này cần phải công bằng và không có biên giới hành chính giữa các tỉnh, TP. Tức là các bên liên quan đều phải coi đây là công việc chung và sớm thống nhất cơ chế phối hợp nhằm khắc phục những xung đột về lợi ích cục bộ, tránh tình trạng vì lợi ích của địa phương mình mà đẩy thiệt hại cho địa phương khác.
Một vấn đề được Bộ cũng như các tỉnh, TP đề cập tới là kinh phí dành cho công tác BVMT chỉ ở mức 1% ngân sách như quy định hiện nay là quá thấp, không đáp ứng được yêu cầu. Ước tính, mỗi năm Hà Nội được bố trí trên 800 tỷ đồng, Nam Định trên 71 tỷ đồng, Ninh Bình khoảng 28 tỷ, Hà Nam 17 tỷ và Hòa Bình khoảng 19 tỷ. Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết, Bộ đã kiến nghị với Quốc hội cho phép tăng lên mức 1,5% nhằm tập trung hơn nữa cho công tác BVMT.
Với vai trò là Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - Đáy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: Thời gian qua, dù đã có những thành công ban đầu nhưng cần phải nhìn nhận, khâu tuyên truyền mới chỉ ở bề nổi mà chưa sâu rộng. Hiệu quả của công tác kiểm tra, xử phạt còn thấp. Thanh tra, kiểm tra không chỉ nhằm xử phạt mà phải tạo cho đối tượng vi phạm chuyển biến về nhận thức và có biện pháp khắc phục. Trong năm 2011 và những năm tiếp theo, các tỉnh, TP trong LVS cần đặc biệt ưu tiên triển khai các dự án xây dựng nhà máy, trạm xử lý nước thải, rác thải và có phương thức hiệu quả nhằm huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư vào các dự án này; xác định chỉ giới, cắm mốc giới hành lang trong LVS để tăng cường quản lý đất đai, đê điều; đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo hướng đa dạng, sinh động hơn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.