Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Gia Bảo| 09/04/2014 06:54

(HNM) - UBND TP Hồ Chí Minh vừa phê duyệt đồ án thiết kế tỷ lệ 1/2.000 và quy định quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đối với hai trục đường là tuyến Xa lộ Hà Nội và Phạm Văn Đồng.


Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố, quy định về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan của trục đường Phạm Văn Đồng và Xa lộ Hà Nội trải dài trên 7 quận, gồm: quận 2, 9, Thủ Đức, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp và Phú Nhuận. Tổng diện tích quy hoạch hơn 1.100ha, chiều dài hai trục đường hơn 30km và chia thành 20 phân khu chức năng (10 phân khu/mỗi trục đường).

Quy hoạch mới sẽ giúp tuyến đường Phạm Văn Đồng phát triển hài hòa giữa hiện đại và truyền thống.


Với trục đường Phạm Văn Đồng, tuyến đường sẽ kết hợp các hoạt động thương mại, dịch vụ. Thành phố sẽ đầu tư hệ thống xe buýt tốc độ cao BRT (vận tải khối lượng lớn) dọc trục đường, giúp người dân đi lại nhanh chóng và thuận tiện. Với Xa lộ Hà Nội, việc quy hoạch sẽ theo hướng kết nối giao thông hai bên tuyến đường, bảo đảm gắn kết các khu vực chức năng quan trọng như: Nối với tuyến đường Thảo Điền và Nguyễn Quý Đức (quận 2); đường Tây Hòa và khu vực cảng Phước Long (quận 9). Khi các tuyến đường được kết nối với nhau thì sẽ tăng cường hệ thống các trục đường đi bộ với các khu vực nhà ga metro (dự kiến đầu năm 2018, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ đi vào hoạt động), đồng thời, tổ chức các tuyến xe buýt nối kết các khu dân cư, tạo trục giao thông xuyên suốt với đầy đủ các loại hình để người dân đi lại dễ dàng.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín, việc phát triển trục không gian đô thị Xa lộ Hà Nội nhưng vẫn bảo tồn cấu trúc một số khu vực đô thị hiện hữu như: Khu vực biệt thự Thảo Điền (quận 2); một số khu vực dân cư thấp tầng tại khu vực địa bàn quận 2 để hài hòa với cảnh quan không gian; một phần khu biệt thự làng Đại học (quận Thủ Đức) và một số khu dân cư hiện hữu, chủ yếu trên địa bàn quận 9 và Thủ Đức, nơi có hệ thống giao thông tương đối đồng bộ. Ông Tín cũng nhấn mạnh, quan điểm của thành phố khi quy hoạch là phải bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị như: Đền tưởng niệm các Vua Hùng (Khu công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc, quận 9); Nghĩa trang liệt sĩ thành phố (quận Thủ Đức) và Tượng đài tưởng niệm chiến thắng Rạch Chiếc (quận 2).

Ngoài ra, theo các chuyên gia, dọc trục tuyến Xa lộ Hà Nội còn có nhiều công trình di tích lịch sử quốc gia (gồm hạng mục kiến trúc nghệ thuật lẫn lịch sử) là chùa Phước Tường, chùa Hội Sơn, đình Phong Phú và di tích lịch sử Bót Dây Thép (quận 9); đình Trường Thọ và Xuân Hiệp (quận Thủ Đức). Nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Võ Kim Cương cho rằng, các công trình này gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố, vừa là nền tảng văn hóa tinh thần của người dân. Điều đáng nói, trục Xa lộ Hà Nội là trục cửa ngõ chính về phía Đông bắc của thành phố, được xây dựng gần 60 năm trước. Thế nên việc cần phải bảo tồn các công trình trên là cần thiết.

Theo thạc sĩ Phạm Sanh, nguyên giảng viên Trường ĐH GTVT TP Hồ Chí Minh, lâu nay, việc thiếu vắng các khái niệm về chỉnh trang, thiết kế và quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới công tác quản lý quy hoạch đô thị không khả thi và thiếu bền vững như hiện nay. Do đó, chủ trương của thành phố như trên rất đáng hoan nghênh, vừa khắc phục các tồn tại trong công tác quản lý quy hoạch trước đây, vừa đón đầu việc đưa vào sử dụng các dự án đầu tư trọng điểm thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.