Nghi ngờ đứa con không phải do mình sinh ra, người mẹ đi làm xét nghiệm ADN và phát hiện bệnh viện đã nhầm lẫn hai trẻ sơ sinh.
Nghi ngờ đứa con không phải do mình sinh ra, người mẹ đi làm xét nghiệm ADN và phát hiện bệnh viện đã nhầm lẫn hai trẻ sơ sinh.
Ngày 24-6, đại diện Bệnh viện (BV) Phụ sản Thanh Hóa đã xác nhận thông tin cách đây bốn năm trao nhầm hai trẻ sơ sinh cho hai gia đình, hiện chưa rõ sai sót nằm ở khâu nào.
Hai gia đình đã nhận lại con ruột
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 26-6, Giám đốc BV Phụ sản Thanh Hóa Võ Mạnh Hùng cho biết: “Hai gia đình đã nhận lại con ruột của mình, các cháu đã ổn định về mặt tâm lý”. Hiện BV Phụ sản Thanh Hóa cũng đã có báo cáo lên Sở Y tế tỉnh về việc trao nhầm hai trẻ sơ sinh nói trên.
Theo báo cáo này, vào lúc 17 giờ ngày 6-10-2012, tại phòng phẫu thuật của BV có hai ca phẫu thuật mổ bắt con. Thực hiện hai ca mổ này là BS Nguyễn Thị Thắm và BS Mai Ngọc Lan. Sau khi hai ca mổ kết thúc, cả hai trẻ sơ sinh được giao cho hai nữ hộ sinh đi tắm rửa rồi bế về phòng trao cho người nhà. Hai nữ hộ sinh là bà Phạm Thị Nhung và Nguyễn Thị Dung.
Bước đầu, theo báo cáo của BV Phụ sản Thanh Hóa, việc trao nhầm được xác định tại thời điểm hai nữ hộ sinh bế hai cháu ra trao cho hai bên gia đình.
Ngoài việc xin lỗi hai gia đình về sự cố không mong muốn này, hiện các nữ hộ sinh cũng như cán bộ BV đang hỗ trợ hai bên gia đình những công việc cần thiết để hai cháu bé, cũng như người thân, ổn định tinh thần, tâm lý.
|
Các bé sơ sinh. Ảnh minh hoạ |
Kiểm điểm trách nhiệm các nữ hộ sinh
Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế, xác nhận BV Phụ sản tỉnh Thanh Hóa đang tiến hành xem xét trách nhiệm cá nhân của hai nữ hộ sinh và cá nhân, tập thể liên quan khác để đưa ra hình thức kỷ luật. Sự việc này cũng đã được Sở Y tế báo cáo về Bộ Y tế.
Theo lời kể gia đình, sau khi xuất viện, một bé sinh sống với cha mẹ ở TP Thanh Hóa, bé còn lại chuyển vào Đà Nẵng sống cùng gia đình. Gia đình ở Đà Nẵng trong quá trình nuôi con sau bốn năm thấy con càng lớn càng không có điểm nào giống cha mẹ và người thân trong gia đình. Người mẹ đã đưa con đi xét nghiệm ADN và kết quả là đứa bé không cùng huyết thống với cha mẹ.
Sau đó, gia đình ở Đà Nẵng đã quay lại BV Phụ sản Thanh Hóa nơi cách đây bốn năm trước sinh con để tìm lại con mình. Tại đây, gia đình ở Đà Nẵng được sự hỗ trợ kịp thời của BV kiểm tra lại hồ sơ sinh bốn năm trước thì phát hiện hai cháu bé mổ cùng giờ, được xác định là đã bị trao nhầm sau khi ra khỏi phòng mổ. Cháu bé bị trao nhầm kia đang sinh sống tại TP Thanh Hóa.
Đây là vụ trao nhầm con thứ ba được thông tin trên báo chí kể từ đầu năm 2016. Một phụ nữ bị trao nhầm con cách đây 42 năm tại nhà hộ sinh quận Ba Đình (Hà Nội). Năm con 20 tuổi, bà mẹ đã bí mật làm xét nghiệm ADN và biết con gái không cùng huyết thống với mình.
Trường hợp thứ hai của một phụ nữ khác cũng sống tại Hà Nội. Bà mẹ sinh con gái năm 1987 tại một nhà hộ sinh quận Đống Đa. Sau khi lấy chồng, người con làm xét nghiệm ADN và biết được mình không phải là con của mẹ đẻ.
Cha mẹ của hai bé có thể yêu cầu bồi thường
Theo luật sư (LS) Phạm Minh Tâm và LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) thì vụ việc phát sinh nhiều vấn đề pháp lý liên quan.
Thứ nhất, LS Tuấn cho rằng phía BV đã thừa nhận việc trao nhầm trẻ, do đó đã hình thành trách nhiệm dân sự của BV. Điều 618 BLDS 2005 có quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra. Vì thế phía BV Phụ sản Thanh Hóa phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho các bên. Lúc này pháp nhân có trách nhiệm bồi thường, sau đó phía BV có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc trao nhầm hai đứa trẻ phải bồi thường lại cho BV.
Thứ hai, nếu một hoặc cả hai gia đình có trẻ bị trao nhầm khởi kiện yêu cầu BV bồi thường thiệt hại thì họ cần chứng minh những gì và họ sẽ được đòi bồi thường những khoản nào? Theo LS Tâm, căn cứ vào các điều 604, 605 BLDS 2005 thì gia đình người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại vật chất do quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm phạm như chi phí nuôi con, chi phí giám định, chi phí đi xác minh sự thật khách quan, chi phí đi làm lại tờ hộ tịch... Lưu ý là nguyên đơn phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh. Cạnh đó theo Điều 611 BLDS 2005 thì nguyên đơn còn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần do việc giao nhầm con gây ra như lo lắng, nghi ngờ khiến mất ăn mất ngủ, sinh bệnh, ảnh hưởng đến tâm lý vì bị xã hội đàm tiếu, gièm pha…
Thứ ba, về việc thay đổi giấy tờ hộ tịch, LS Tâm cho biết nếu hai gia đình đã có kết quả giám định ADN và có xác nhận của BV Thanh Hóa thì hai gia đình đến UBND cấp xã, phường để cải chính hộ tịch. Căn cứ pháp lý là Điều 7 Nghị định số 123 ngày 15-11-2015 của Chính phủ (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch). Theo đó điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch, chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch. Thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch trong trường hợp này được thực hiện theo Điều 28 Luật Hộ tịch.