(HNMO) - Cuộc đời của thầy giáo Jaime Escalante cũng như câu chuyện huyền thoại về nữ nhà văn khiếm thị Helen Keller đã được độc giả trên thế giới biết đến qua rất nhiều bài báo. Những hạt bụi lấp lánh trong cuộc đời của hai nhân vật này đã truyền cảm hứng cho các tác giả viết nên hai cuốn sách xúc động: “Escalante - Người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ” và “Quý cô nóng nảy: Hành trình khai mở tâm trí Helen Keller”.
Tân Việt Books cùng NXB Sư phạm và NXB Dân trí đã cho ra mắt bộ đôi sách tri ân những người thầy đã tận tụy cống hiến, gieo mầm tri thức và chuyên chở những thế hệ học trò cập bến tương lai. “Escalante - Người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ” và “Quý cô nóng nảy: Hành trình khai mở tâm trí Helen Keller” là hai câu chuyện có thật về tình thầy trò, về phương pháp giáo dục đặc biệt như một thứ ánh sáng diệu kỳ mà những người thầy trong cuốn sách đã mang đến cho các học trò của mình.
Giáo viên môn Toán Jaime Escalante không phải là người Mỹ chính gốc mà là người nhập cư từ Bolivia với vốn tiếng Anh thậm chí đôi lúc còn chưa sõi. Sau 10 năm cố gắng làm nhiều nghề khác nhau trên đất Mỹ, Jaime Escalante đã về giảng dạy tại một ngôi trường đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi giấy phép bởi học sinh quá ngỗ ngược, lập băng nhóm và chống đối việc học.
Thế mà năm 1982, rất nhiều học sinh tại “ngôi trường quậy phá” này phải đứng trước những buộc tội về gian lận trong kỳ thi nâng cao, và sự chú ý của người dân Mỹ đã đổ dồn về thầy Escalante khi điểm kiểm tra lại của những học sinh ấy đã chứng minh tất cả. Thầy Escalante, bằng phương pháp giáo dục đặc biệt khơi dậy năng lực, nuôi dưỡng khát vọng và truyền lửa của mình đã kéo nhiều học sinh cá biệt ra khỏi hố sâu của sai lầm, thiếu hiểu biết để đến với tri thức. Từ đó, các “chuyến đò” của thầy đã đưa hơn 400 học sinh “cập bến” vào các trường đại học danh giá hàng đầu thế giới.
Câu chuyện về cuộc đời của thầy Escalante đã được cựu nhà báo chuyên mục giáo dục Jay Mathews kể lại một cách trung thực trong cuốn sách “Escalante - Người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ”. Tác giả đã thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn trong 5 năm với rất nhiều giáo viên, học sinh cũng như tìm hiểu thời thơ ấu của thầy Escalante để mang đến cho độc giả bức tranh đầy hấp dẫn về người thầy dũng cảm và phi thường này.
Không nhận được những giải thưởng cao quý như thầy Escalante, nhưng cô giáo Anne Sullivan lại khiến bất cứ độc giả nào khi đọc xong cuốn sách “Quý cô nóng nảy: Hành trình khai mở tâm trí Helen Keller” cũng phải cảm phục.
Cuộc đời của Helen Keller là huyền thoại của một nữ nhà văn khiếm thị, khiếm thính đã nỗ lực phi thường để giành học vị Cử nhân Nghệ thuật, biết nhiều ngoại ngữ như tiếng Đức, tiếng Pháp và trở thành một nhà hoạt động xã hội, một diễn giả người Mỹ nổi tiếng thế giới.
Nhưng ít ai biết được rằng, phía sau thành công của Helen Keller là sự hy sinh thầm lặng của cô giáo Anne Sullivan, người đã vực Helen đứng dậy từ sâu trong màn đêm u tối. Cuộc đời của Helen đã thay đổi vào lúc 6 tuổi, khi cô giáo Anne Sullivan cho dòng nước lạnh buốt từ vòi nước chảy xuống tay Helen, đồng thời dùng ngón tay viết các chữ cái của từ “nước” (W-A-T-E-R) lên lòng bàn tay cô bé.
Từ giây phút đó, thế giới đã rộng mở trong tâm trí Helen. Và cũng từ giây phút đó, trong suốt 50 năm gần như không xa rời, cô giáo Anne Sullivan luôn đồng hành cùng học trò của mình, lặng thầm trong từng bước tiến, để sau này Helen trở thành một giảng viên, một nhà văn, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng toàn cầu.
Theo Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), "hai cuốn sách này có hai người thầy. Một người thầy đã được vinh danh. Một người thầy đã được tôn thờ. Vinh danh và tôn thờ lòng yêu thương, sự nhiệt huyết và một phương pháp dạy hết sức đúng đắn. Hai cuốn sách có ý nghĩa truyền cảm hứng để những giá trị tốt đẹp của các nhà giáo ở nước Mỹ cũng có thể lan tỏa đến Việt Nam”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.