Luận đàm thời sự

Hai bên được, hai phía thiệt

Đại sứ Trần Đức Mậu 14/02/2025 - 06:41

Những gì được Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 12-2 (giờ Mỹ) và được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth trình bày tại cuộc gặp với những người đồng cấp trong NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) cho thấy, chính quyền của ông Trump đã thay đổi cơ bản quan điểm chính sách so với chính quyền tiền nhiệm về Nga và Ukraine.

Ông Trump vốn có ý định rằng Mỹ sẽ không tiếp tục viện trợ cho Ukraine như trước và tìm cách chấm dứt cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Ông Trump tiết lộ rằng đã thỏa thuận được với ông Putin về việc bắt đầu đàm phán liên quan đến giải pháp giúp chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine. Ông Trump sẽ gặp ông Putin rất sớm, có thể ở Ả rập Xê út, và có thể sẽ thăm chính thức lẫn nhau.

Trước đó, người tiền nhiệm của ông Trump vốn loại trừ hoàn toàn việc Mỹ đàm phán với Nga về cuộc chiến tranh ở Ukraine và gặp gỡ ông Putin, cho nên càng không thể có chuyện tới Nga hay mời ông Putin sang thăm Mỹ. Nay, ông Putin còn mời ông Trump sang Nga.

Trong khi đó, ông Hegseth thẳng thừng, việc Ukraine tái lập lại đường biên giới lãnh thổ như trước năm 2014, tức là trước khi Nga sáp nhập, quản lý bán đảo Crimea, và gia nhập NATO là không thực tế.

Ông Hegseth còn loại trừ việc Mỹ đưa quân đội tham gia lực lượng quân sự của NATO (có thể) đến triển khai ở Ukraine. Như thế đồng nghĩa, các quốc gia châu Âu phải tự bảo đảm an ninh cho châu Âu và cho Ukraine sau khi có được giải pháp chính trị giúp chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Ngay trước đấy, Nga đã bác bỏ đề nghị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về phương án hoán đổi vùng lãnh thổ hai bên đang hiện diện. Thời chính quyền trước, Mỹ vẫn cam kết bảo đảm an ninh cho Ukraine và NATO đã quả quyết, việc Ukraine gia nhập NATO không thể bị đảo ngược.

Hiện nay, hai bên được từ hệ lụy của những động thái mới này là ông Trump và Nga, còn hai phía bị thiệt nhiều là Ukraine và Liên minh châu Âu (EU), với đại đa số thành viên cũng là thành viên NATO.

Giờ chưa biết kết quả cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga rồi sẽ như thế nào. Tuy nhiên, ông Trump đã có được bằng chứng xác thực chứng minh là đã tạo được chuyển động trong việc tìm cách chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine, đã thuyết phục và lôi kéo được Nga vào đàm phán. Qua đó, ông Trump thể hiện được là người kiên định và quyết tâm thực hiện cam kết khi vận động tranh cử Tổng thống cũng như những tuyên cáo khác về cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Cách tiếp cận của ông Trump ở đây rất thực tế. Nếu Mỹ ngừng tiếp tục viện trợ cho Ukraine thì Ukraine không thể thắng được Nga trong cuộc chiến tranh này, nếu như không muốn nói là sẽ thất bại. Vì thế, chỉ nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến tranh, Mỹ mới không còn phải tiếp tục đổ tiền của và vũ khí vào Ukraine. Thực tế, muốn chấm dứt cuộc chiến tranh này thì không thể không đàm phán trực tiếp với Nga.

Ông Putin được nhiều hơn cả khi có được bằng chứng về vị thế buộc ông Trump phải lụy. Ông Putin sẽ tận dụng việc ông Trump muốn nhanh chóng có thành quả cụ thể để khích lệ ông Trump giải quyết vấn đề Ukraine riêng và trực tiếp với Nga, gây áp lực buộc Ukraine phải đáp ứng tất cả hoặc gần hết những điều kiện tiên quyết của Nga. Đặc biệt là chuyện lãnh thổ và Ukraine không gia nhập NATO.

Ukraine, EU và NATO bị thiệt nhiều nhất vì ý tưởng giải pháp của ông Trump có lợi cho Nga. Thêm nữa, bất lợi thuộc về Ukraine vì bị ông Trump gần như loại trừ ra khỏi tiến trình đàm phán đồng thời bị phó mặc lo liệu chuyện hậu kỳ ở Ukraine và châu Âu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hai bên được, hai phía thiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.