Trong những ngày hè nóng bức, cốc bia mang thương hiệu HABECO đượm màu vàng của rơm, màu nắng của trời, với độ trong suốt… đã trở thành thứ đồ uống có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại với thực khách gần xa.
Và không biết từ bao giờ, cốc bia vàng óng ấy không chỉ trở thành đặc sản của Thủ đô Hà Nội, là nét văn hóa của người Tràng An, mà còn là niềm tự hào của thương hiệu bia Việt. Trải qua hơn 55 năm xây dựng, phát triển, với không ít thăng trầm, HABECO đã trở thành tổng công ty với 23 công ty con, công ty liên kết trên cả nước và phát triển được 5 dòng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Bia Hà Nội chiếm lĩnh thị trường Hà Nội và phủ rộng khắp miền Bắc. Với sức vươn lên mạnh mẽ của một cây đại thụ trong ngành nước giải khát Việt Nam, HABECO đã trở thành thương hiệu quốc gia và tương lai sẽ trở thành thương hiệu mạnh đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.
Tổng Công ty Habeco. |
Đột phá công nghệ
Nhà máy Bia Hommel do người Pháp làm chủ thành lập năm 1890 tiền thân của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO). Khi miền Bắc được giải phóng (năm 1954), trước lúc rút lui, người Pháp đã tháo dỡ, phá hoại máy móc, đốt hết các tài liệu quan trọng nhằm làm cho nhà máy tê liệt. Đầu năm 1957, nhà máy bia được khôi phục. Ngày 15-8-1958 đã đi vào lịch sử của HABECO khi chai bia đầu tiên ra đời với sự giúp đỡ của 2 chuyên gia Tiệp Khắc. Từ ngày đó, thương hiệu HABECO đã ra đời và không ngừng phát triển. HABECO đã mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng liên doanh, liên kết các khâu như vật tư, nguyên liệu, vận tải, tiêu thụ… nhờ đó, bảo đảm được năng suất và chất lượng sản phẩm. Cùng với việc phát triển thị trường tiêu thụ trong nước, HABECO đã mở rộng thị trường xuất khẩu, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan, Anh, Mỹ... Cũng từ năm 2008, HABECO có bước chuyển mình mạnh mẽ, chuyển đổi mô hình tổ chức từ tổng công ty nhà nước sang tổng công ty cổ phần, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với vốn điều lệ 2.318 tỷ đồng. Đây là bước ngoặt lớn của HABECO trên con đường hội nhập quốc tế. Năm 2010, chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, HABECO đã đưa sản phẩm nhãn hiệu bia Trúc Bạch trở lại thị trường. Bia Trúc Bạch đã được người tiêu dùng mến mộ đón nhận và đánh giá cao. Nhiều năm qua, HABECO đã liên tục tái cơ cấu hệ thống tiêu thụ, hệ thống quản lý sản xuất được đầu tư nâng cấp, cải tiến, bảo đảm sự đồng nhất sản phẩm Bia Hà Nội tại các khu vực, áp dụng hiệu quả các biện pháp tiết giảm các chi phí trong sản xuất, quản lý và lưu thông, cơ cấu lại sản phẩm và củng cố công tác marketing… Để chuyên môn hóa cao lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm thực hiện mang tính chuyên nghiệp, HABECO thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại HABECO hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của công ty mẹ. Đây là một bước quan trọng giúp HABECO tái cấu trúc mạng lưới phân phối và chuyên nghiệp hóa trong quản lý, phát triển thị trường.
Dây chuyền sản xuất của Habeco. |
Vượt qua thách thức
Năm 2008, khi chuyển đổi thành tổng công ty, HABECO chỉ có 5 đơn vị với tổng số chưa đến 2.000 CBCNV, đến nay HABECO đã phát triển lớn mạnh. Ngoài công ty mẹ còn có 23 đơn vị thành viên, trong đó có 16 công ty con và 7 công ty liên kết, nằm ở khắp các tỉnh từ miền Bắc đến Trung bộ, với tổng số 5.000 CBCNV. Đến nay, 100% công ty thành viên đều cổ phần hóa, SXKD đạt hiệu quả cao hơn so với trước khi cổ phần hóa. Đội ngũ lao động của tổng công ty thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đời sống, chế độ chính sách quyền lợi người lao động luôn được cải thiện.
Năm 2010, với việc hoàn thành dự án đầu tư xây dựng nhà máy bia công suất 200 triệu lít/năm tại Mê Linh (Hà Nội), với hệ thống thiết bị đồng bộ hiện đại bậc nhất Đông Nam Á và trở thành một trong hai tổng công ty sản xuất bia lớn nhất của Việt Nam. Hiện, tổng công suất toàn hệ thống đạt hơn 800 triệu lít bia. HABECO đã xây dựng được các sản phẩm chủ lực gồm: bia hơi, bia chai Hà Nội 450ml, Hanoi Bia Premium, bia Hà Nội lon, bia Trúc Bạch, với mục đích ổn định và nâng cao chất lượng, tăng cường sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập và luôn nằm trong top 3 doanh nghiệp sản xuất bia có thị phần lớn nhất cả nước.
Đạt được kết quả trên, lãnh đạo tổng công ty và toàn thể CBCNV đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Tổng sản lượng bia của toàn HABECO tăng từ 365 triệu lít năm 2008, lên 643 triệu lít năm 2012, bình quân cả giai đoạn 2008-2012 tăng 12,9%/năm, riêng bia lon Hà Nội, từ lúc chỉ đạt 26 triệu lít năm 2008 đã tăng lên 59 triệu lít năm 2010 và đến nay đã đạt hơn 100 triệu lít/năm; tổng doanh thu 2012 tăng gấp 2,2 lần năm 2008, đạt 10.132 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 23%/năm. Nộp ngân sách tăng từ 1.867 tỷ đồng năm 2008, lên 3.380 tỷ đồng năm 2012, tốc độ tăng trưởng bình quân là 17,5%/năm. Lợi nhuận trước thuế tăng bình quân 16,7%/năm… Hiện, sản phẩm của HABECO đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố và xuất khẩu đến nhiều nước. Tổng công ty đã triển khai nhiều chính sách cho khách hàng, các kênh phân phối và người tiêu dùng trực tiếp để kích thích tiêu dùng và tăng sản lượng tiêu thụ. Kế hoạch phát triển giai đoạn 2011-2015 của HABECO được xây dựng theo hướng không ngừng phát triển SXKD, mở rộng thị trường, tăng thị phần với ngành hàng chủ đạo là bia, rượu. Nghiên cứu và đưa ra thị trường những sản phẩm mới trong lĩnh vực nước giải khát, đa dạng hóa sản phẩm nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, vươn lên giữ vững vị thế hàng đầu về chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, phấn đấu đạt sản lượng hơn 1 tỷ lít/năm; giữ vững, đưa thương hiệu HABECO trở thành thương hiệu nổi tiếng trên thị trường trong nước và quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.